Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có thể cán mốc 53-54 tỷ USD trong năm 2021
Với kim ngạch tăng thêm 4,34 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí số 2 trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam…
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/6/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 143,36 tỷ USD, tăng 29,7% tương ứng tăng 32,79 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 6,43 tỷ USD, tương ứng tăng 68,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,34 tỷ USD, tương ứng tăng 25%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,9 tỷ USD, tương ứng tăng 14,6%...
Với kết quả tăng thêm 4,34 tỷ USD đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ đầu năm đến ngày 15/6/2021 lên con số 21,69 tỷ USD, tăng 25% so cùng kỳ năm 2020 và tiếp tục giữ vững vị trí số 2 trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (sau điện thoại và linh kiện), chiếm tỷ trọng gần 15,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Trước đó, từ năm 2019, giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 36,3 tỷ USD, chính thức vượt qua mặt hàng dệt may (giá trị xuất khẩu đạt 32,8 tỷ USD) để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Đến năm 2020, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 nhưng nhóm hàng này vẫn đạt tốc độ tăng cao và ổn định vững chắc, với giá trị xuất khẩu đạt 44,6 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, vượt xa xuất khẩu hàng dệt may cả về giá trị, tốc độ tăng và tỷ trọng (hàng dệt may đạt 29,8 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 10,5%).
Trong một dự báo được Bộ Công Thương đưa ra mới đây, năm 2021, ngành điện tử tiếp tục sẽ tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử cả năm 2021 có thể đạt khoảng 53-54 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020.
Với những kết quả và dự báo trên, có thể thấy ngành điện tử đã và đang trở thành ngành công nghiệp trọng yếu của nền kinh tế. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần có kế hoạch phát triển dài hạn, có sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp.
Trong đó, tập trung hỗ trợ cho các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.