Bất động sản công nghiệp không ngừng sôi động
Sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với bất động sản công nghiệp vẫn rất lớn

Tăng tốc mở rộng nguồn cung

Chuẩn bị quỹ đất đủ lớn cho một chu kỳ tăng trưởng mới và đón làn sóng đầu tư là động thái mà nhiều địa phương và chủ đầu tư khu công nghiệp đang thực hiện. Ngoài Bình Dương và Đồng Nai được xem là thủ phủ công nghiệp phía Nam, thì Long An hiện nổi lên là một điểm đến khi nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn địa phương này để thành lập các trung tâm phân phối và dự án logistics.

Mới đây nhất, UBND tỉnh Long An đã công bố mời gọi các nhà đầu tư nộp hồ sơ, thủ tục đầu tư vào dự án trung tâm logistics quy mô 50 ha tại huyện Bến Lức. Mục tiêu dự án này nhằm phục vụ phát triển công nghiệp ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Long An hiện đã quy hoạch 6 trung tâm logistics tại các khu vực khác nhau trên địa bàn. Trong đó, tại huyện Bến Lức có 3 trung tâm, đặt tại các xã Thanh Phú, Thạnh Lợi và Lương Hòa, với tổng diện tích khoảng 110 ha. Các trung tâm logistics được quy hoạch gồm hệ thống kho chứa hàng, kho ngoại quan, đáp ứng yêu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu của Long An cũng như vùng TP.HCM.

Trước đó,  địa phương này đã đề xuất phát triển khu siêu kinh tế 32.000 ha - một trong những khu kinh tế lớn nhất ở miền Nam. Cùng với sự gia tăng của thương mại điện tử sẽ giúp thị trường bất động sản công nghiệp tại đây thêm sôi động.

Ngoài Long An, các khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là điểm sáng thu hút đầu tư. Báo cáo mới đây của Công ty JLL Việt Nam ghi nhận, đã có nhiều giao dịch được hoàn tất tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bất chấp đợt Covid-19 lần thứ tư bùng phát. Thỏa thuận thuê đất chủ yếu đến từ các nhà sản xuất công nghiệp nặng yêu cầu quỹ đất rộng lớn.

Trong đó, thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức là hai địa phương có thể tận dụng lợi thế gần cảng Cái Mép để trở thành trọng điểm khu công nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu, khi chiếm khoảng 70% diện tích khu công nghiệp của tỉnh.

Trong quy hoạch các khu công nghiệp định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của huyện Châu Đức, Khu đô thị - công nghiệp công nghệ cao Cù Bị, với diện tích 3.000 ha là dự án có quy mô lớn nhất. Thời gian thực hiện dự án từ 2021 đến 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, còn có Khu đô thị - công nghiệp tại xã Xà Bang, với diện tích dự kiến 1.200 ha; Khu đô thị - công nghiệp tại xã Bình Ba với quy mô 800 ha; mở rộng thêm Khu công nghiệp Đá Bạc giai đoạn II và III, với tổng diện tích khoảng 700 ha.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, một số công ty bất động sản khu công nghiệp niêm yết đang tăng tốc mở rộng quỹ đất. Trong đó, Becamex với quỹ đất hơn 6.000 ha là công ty bất động sản khu công nghiệp niêm yết lớn nhất về quỹ đất tại miền Nam, gấp 2,2 lần so với công ty lớn nhất miền Bắc là Viglacera với khoảng 2.800 ha.

Xét về diện tích cho thuê tiềm năng trong 3 năm tới, Becamex củng cố vị trí dẫn đầu với Khu công nghiệp Cây Trường (700 ha) và Khu công nghiệp Lai Hưng (1.500 ha), tiếp theo là Công ty Cao su Phước Hòa với 2 khu công nghiệp là Tân Bình II (1.055 ha) và Tân Lập I (200 ha).

Các chuyên gia của VNDIRECT cho rằng, diện tích đất khu công nghiệp ở phía Nam dự kiến tăng thêm 5.000 ha trong năm 2021 - 2022 để đáp ứng nhu cầu.

Thu hút doanh nghiệp sản xuất giá trị cao

Ông Hà Trọng Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) cho biết, kế hoạch của Công ty năm 2021 là đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng để xúc tiến cho thuê lại đất khi Dự án Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II gần 346 ha (giai đoạn I với tổng diện tích 650 ha đã đi vào hoạt động và được lấp đầy toàn bộ bởi 246 dự án) hoàn thành thủ tục hồ sơ pháp lý.

“Định hướng của chúng tôi là thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp có tỷ trọng tri thức, hàm lượng công nghệ cao, quy mô đầu tư lớn”, ông Bình chia sẻ.

Thực tế, thời gian trước, Việt Nam thường tập trung thu hút các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng giá trị thấp như dệt may hoặc đồ nội thất. Song, với định hướng mới của Chính phủ, thị trường đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút doanh nghiệp sản xuất giá trị cao hoặc loại hình bất động sản công nghiệp mới.

Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do có thể được xem là giải pháp lâu dài cho Việt Nam, hỗ trợ quá trình chuyển giao kiến thức và công nghệ, qua đó thúc đẩy sự chuyển đổi từ sản xuất các ngành công nghiệp giá trị thấp và mang tính địa phương, sang các ngành có giá trị cao hơn.

Ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi sang thu hút lĩnh vực sản xuất có giá trị cao sẽ mang lại nhiều cơ hội và tương lai tích cực hơn cho thị trường bất động sản công nghiệp. Trên thực tế, khi chi phí thuê bất động sản tăng cao, số lượng doanh nghiệp trong các ngành sản xuất với tỷ suất lợi nhuận thấp sẽ giảm xuống.

“Chính phủ đã thông qua đề xuất lập kế hoạch phát triển kỹ năng quốc gia như một phần của khuyến nghị Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2020 - 2030 cũng chính là một trong những yếu tố trọng tâm giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp”, ông John Campbell nói.

Trọng Tín
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc