Cần đẩy nhanh mô hình khu công nghiệp sinh thái
Mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được các nước triển khai thành công gần 30 năm qua, trong khi đó tại Việt Nam mô hình này mới thí điểm tại 6 khu công nghiệp...
Đến nay, cả nước có có 407 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố, thu hút hơn 10.000 dự án trong nước, gần 11.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD (tổng vốn FDI là 230 tỷ USD), theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
MÔ HÌNH HIỆU QUẢ
Nghiên cứu về các mô hình khu công nghiệp tại một số nước phát triển trên thế giới, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết mô hình khu sinh thái công nghiệp đã được triển khai từ những năm 1990.
Chẳng hạn, tại Đan Mạch, khu công nghiệp sinh thái Kalunborg với 20 mạng lưới cộng sinh công nghiệp nội khu thực hiện từ năm 1982 đến năm 1997 đã giúp tiết kiệm 19.000 tấn dầu, 30.000 tấn than, 600.000m3 nước và 130.000 tấn CO2.
Năm 2001, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã tiết kiệm 160 triệu USD khi tham gia mạng lưới cộng sinh.
Tại Hàn Quốc, quốc gia này đã thực hiện chuyển đổi 51 khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái đã tạo ra lợi ích kinh tế quy đổi khoảng 1,3 tỷ USD và hoàn thiện thực hiện chuyển đổi 151 khu công nghiệp sinh thái vào năm 2020.
Tại Trung Quốc, mô hình khu công nghiệp sinh thái được triển khai cuối những năm 1990, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn do Cục Bảo vệ môi trường đề xuất năm 2001. Cục này đã xây dựng hướng dẫn về khu công nghiệp sinh thái bao gồm: khái niệm, tiêu chí, đánh giá vào năm 2006. Riêng năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ 745 triệu Nhân dân tệ cho 22 khu công nghiệp để thực hiện các giải pháp chuyển đổi, chiếm 8,5% tổng chi phí đầu tư của mỗi dự án chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và một số nhà tài trợ triển khai thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Theo đó, đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm, tiết giảm 22.000 mwh điện, trên 600.000 m3 nước sạch, hơn 140 TJ nhiên liệu hoá thạch và gần 3.600 tấn hoá chất và chất thải. Các giải pháp này cũng cắt giảm được 32 Kt khí CO2 hằng năm và huy động được 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân.
Trong giai đoạn 2020-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO tiếp tục hỗ trợ 3 khu công nghiệp tại TP.HCM (Hiệp Phước), Hải Phòng (Đình Vũ), Đồng Nai (Amatar) chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái.
Kết quả bước đầu cho thấy với 41 doanh nghiệp thực hiện 146 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn có tiềm năng tiết kiệm 141 tỷ đồng/năm, tiết giảm được 64.000 mwh điện, trên 77.000 m3 nước sạch, giúp cắt giảm được 55 TJ khí CO2 hằng năm...