Công nghiệp tăng trưởng nhờ “lực kéo” từ chế biến, chế tạo
Trong 9 tháng năm 2021, sản xuất công nghiệp vẫn có nhiều gam màu sáng với những tín hiệu tích cực từ một số ngành mũi nhọn; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là “lực kéo” cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Đáng chú ý, chế biến, chế tạo vẫn là ngành dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2021 tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 6,29%; quý 2 tăng 11,18%; và quý 3 giảm 3,5%).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05% (quý 1 tăng 8,9%; quý 2 tăng 13,35%; quý 3 giảm 3,24%); ngành khai khoáng giảm 7,17%.
DẪN DẮT TĂNG TRƯỞNG TOÀN NGÀNH CÔNG NGHIỆP
Từ những con số thống kê trên có thể thấy, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, cơ cấu các ngành công nghiệp đang có sự chuyển biến tích cực khi tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng của ngành khai khoáng có xu hướng giảm. Điều này phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Trong một báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng rất nhanh, chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong đó tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng.
Nhiều mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, báo cáo trên cũng chỉ ra một số hạn chế của công nghiệp chế biến, chế tạo, đó là chủ yếu vẫn tập trung ở ngành công nghệ thấp và ở khâu gia công, lắp ráp, có giá trị gia tăng thấp.
Các ngành công nghiệp chủ đạo phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu nhờ vào sử dụng nhân công giá rẻ và nguyên liệu nhập khẩu nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Đáng lưu ý, trong khi đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng, thì đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước ngày càng giảm.
Thực trạng này cũng đã được Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chỉ rõ, Việt Nam đang rất thiếu những doanh nghiệp tư nhân lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng, giúp tránh khỏi nguy cơ tụt hậu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện tại, chỉ có một vài doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô như: công ty Trường Hải, VinFast, Thành Công… nhưng vẫn chưa đạt tầm cỡ thế giới.
Do đó, công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn mang nặng tính chất gia công, lệ thuộc nhiều vào nước ngoài, chưa chiếm lĩnh được những vị trí vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và còn thiếu nền tảng để phát triển một cách độc lập.
Điều này khiến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất, khiến cho hoạt động sản xuất trong nước thiếu tự chủ, dễ tổn thương bởi các biến động chính trị - kinh tế - xã hội trên thế giới và trong khu vực (mà ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến khu vực sản xuất vừa qua là một ví dụ điển hình).
“ĐIỂM SÁNG” VỀ THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Dẫu vậy, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành “hấp dẫn” khi liên tục dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,47 tỷ USD, chiếm 43,8% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Liên quan đến xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời gian tới, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, cho thấy khu vực doanh nghiệp FDI lạc quan nhất với 79,4% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 4/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 3/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 71,8% và 68,8%.
Dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp FDI vẫn cam kết đẩy mạnh đầu tư và rót thêm vốn vào các dự án ở Việt Nam. |
Từ kết quả thu hút vốn FDI và xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
Tại buổi tọa đàm: “Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng” mới đây, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam, nhận xét dù có những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đúng chiến lược của Chính phủ Việt Nam, vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả vừa tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông, sản xuất, duy trì mạng cung ứng ổn định thì dự kiến đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, cho biết kết quả thu hút vốn FDI 9 tháng năm 2021 cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư trong nước, những khó khăn dịch bệnh trước mắt chỉ là tạm thời.
Đại dịch Covid-19 tạo sức ép để hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Dự báo về tình hình sản xuất công nghiệp thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải, nhận định từ tháng 10/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan như hiện nay, các doanh nghiệp ở khu vực miền Bắc, miền Trung tăng tốc sản xuất thì công nghiệp trong quý 4/2021 sẽ tăng trưởng cao hơn quý 3.
Khả năng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng khoảng 6% so với năm 2020. Con số này mặc dù thấp hơn chỉ tiêu ngành Công Thương đặt ra ban đầu (tăng 8-9%) nhưng cũng đã cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất.
Đưa ra một số giải pháp cho chuỗi cung ứng trong lĩnh vực chế biến chế tạo thời gian tới, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng Chính phủ và chính quyền các địa phương, thành phố phải có chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp như thuế, lãi suất, mặt bằng, các khoản phí và lệ phí...
Đồng thời, có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn, thay thế nguồn hàng nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì Covid-19.