Điều gì khiến hiệp định đầu tư EU - Trung Quốc vừa ký kết đã gặp khó?
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Getty.

Liên minh châu Âu (EU) đã từng khởi động cuộc đàm phán Hiệp định Đầu tư toàn diện (CAI) với Trung Quốc vào năm 2014. Thời điểm đó, cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đều không ngờ rằng quá trình này phải mất tới gần 7 năm để hoàn tất.

Sau 35 vòng đàm phán liên tiếp, CAI giữa Trung Quốc và EU chính thức ký kết vào tháng 1/2021, ngay trước khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Hiệp định được đánh giá là động lực lớn cho quan hệ hợp tác toàn diện giữa Trung Quốc và châu Âu, đồng thời có ý nghĩa như chiến thắng mang tính biểu tượng cho Bắc Kinh.

HIỆP ĐỊNH GẶP TRỞ NGẠI

Chuyên gia phân tích Sourabh Gupta từ Viện nghiên cứu Trung - Mỹ có trụ sở ở Washington cho rằng từ góc độ Trung Quốc, hiệp định đầu tư toàn diện với EU có thể xem như thỏa thuận kinh tế quan trọng nhất trên bình diện địa chính trị kể từ khi nước này chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2001.

Tuy nhiên, để chính thức có hiệu lực, CAI vẫn cần sự chấp thuận bởi cả Nghị viện châu Âu và từng quốc gia thành viên trong khối. Trong đó, có cả những quốc gia từ lâu đã có cái nhìn nghiêm khắc với Trung Quốc.

Trong tình huống hiện tại, căng thẳng leo thang trong quan hệ Trung Quốc - châu Âu rất có thể trở thành lực cản cho việc phê duyệt hiệp định đầu tư toàn diện quan trọng này.

Phó chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết trong một cuộc họp báo gần đây: “Tình huống hiện tại - khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt với Trung Quốc và Trung Quốc cũng có động thái đáp trả - là môi trường bất lợi cho việc phê chuẩn hiệp định”.

Phát biểu của ông Dombrovskis đề cập tới loạt động thái trả đũa của Trung Quốc đối với một số quan chức EU và thành viên Nghị viện châu Âu nhằm đáp lại các biện pháp trừng phạt của EU đối với Trung Quốc liên quan đến cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Phó chủ tịch EC cũng đưa ra lời cảnh báo quan trọng, rằng tiến độ phê duyệt hiệp định CAI sẽ “phụ thuộc vào định hướng phát triển của quan hệ Trung Quốc - châu Âu”. Với thông điệp này, có vẻ như nhà lãnh đạo EC đang muốn sử dụng CAI làm đòn bẩy để kêu gọi Trung Quốc thay đổi thái độ.

Ngay sau phát ngôn của ông Dombrovskis, đương kim Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã cố gắng thay đổi hướng gió bằng cách khẳng định những bình luận trên đã bị báo chí hiểu sai.

Thực tế, ông Dombrovskis nhấn mạnh rằng các điều kiện hiện tại có thể gây bất lợi cho việc phê chuẩn hiệp định đầu tư toàn diện giữa EU và Trung Quốc, chứ không hề khẳng định các điều kiện sẽ không được cải thiện trong tương lai.

Nhưng ngay từ đầu, triển vọng của hiệp định CAI đã không quá sáng sủa. Các nhà quan sát từng dự báo vào tháng 12/2020, thời điểm điều khoản CAI vừa được song phương thống nhất, rằng hiệp định này không dễ thông qua tại Nghị viện châu Âu.

Thậm chí, từ trước khi ký kết hiệp định CAI với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo EU có thể đã lường trước khả năng quan hệ Trung - Âu xấu đi khi Brussels chuẩn bị sử dụng đạo luật nhân quyền toàn cầu Magnitsky để trừng phạt Bắc Kinh sau nhiều tháng lên kế hoạch. Đối với nhiều người, quyết định của EC về việc chấp thuận các điều khoản của CAI chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng. Bởi thực tế, vẫn còn nhiều điều khoản chưa được làm rõ, chẳng hạn Bắc Kinh sẽ mở cửa ở mức độ nào để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư châu Âu như cam kết.

LẬP TRƯỜNG CHÂU ÂU THAY ĐỔI?

Đối với Washington, quyết định của EC về việc ký kết hiệp định đầu tư toàn diện với Trung Quốc là dấu hiệu phản ánh sự bất an của Brussels với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn đã tổn hại nặng nề trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Donald Trump.

Khi còn chưa chính thức lên cầm quyền, chính quyền ông Biden hồi tháng 12 năm ngoái từng công khai kêu gọi EU tạm dừng việc đồng thuận các điều khoản trong hiệp định CAI. Theo ông Biden, Brussels sẽ có lợi hơn nếu họ chờ đợi để cùng Washington đàm phán, đổi lấy những nhượng bộ lớn từ Bắc Kinh.

Khi tiến vào Nhà Trắng, ông Biden ngỏ ý tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn dưới thời Trump, nhưng thông qua cách tiếp cận đa phương để cùng các đồng minh thân cận như EU gây áp lực lên Trung Quốc. Đã có những dấu hiệu cho thấy EU chia sẻ cách tiếp cận của nhà lãnh đạo Mỹ.

Tình huống phức tạp này cho thấy chính sách đối ngoại không rõ ràng của EU trong vấn đề Trung Quốc. Chẳng hạn, cùng thời điểm hiệp định CAI được ký kết, Brussels cũng bắt đầu thúc đẩy các biện pháp bảo hộ mới nhằm vào Trung Quốc. Dự luật hạn chế các công ty nước ngoài mua tài sản vừa được công bố đầu tháng này, một động thái chủ yếu ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp châu Âu trong bối cảnh đại dịch là một ví dụ điển hình.

Những gì dư luận châu Âu trông đợi lúc này là một lập trường thống nhất hơn giữa EU và đồng minh truyền thống Mỹ dưới thời chính quyền ông Biden. Trong đó, Trung Quốc là một trong những mối quan tâm hàng đầu.

Lập trường đó phụ thuộc nhiều vào hai tiếng nói lớn của EU là Đức và Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong những tháng gần đây. Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Đức Angela Merkel từ lâu cũng duy trì quan điểm mềm mỏng với Trung Quốc.

Trong trường hợp của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, bất cứ ai thay thế bà Merkel vào tháng 9 tới đều biết rằng quan hệ với Trung Quốc đóng vai trò đặc biệt quan trọng với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Đức. Vào tháng 3 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc tăng 37,9% lên 10,3 tỷ Euro trong khi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ tăng 8,8% lên 11,1 tỷ Euro. Tuy nhiên, trong cộng đồng cử tri Đức, lời kêu gọi Berlin đặt mối quan tâm địa chính trị và nhân quyền lên trên lợi ích kinh tế ngày càng rõ ràng.

Quan điểm bảo thủ được bà Merkel và một số chính trị gia cấp cao châu Âu theo đuổi là EU có thể tác động đến chính sách của Bắc Kinh thông qua cách tiếp cận mềm mỏng. Ngược lại, có một quan điểm mới xuất hiện gần đây cho rằng Brussels cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nếu muốn điều chỉnh các chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh cũng như thiết lập một mối quan hệ song phương bình đẳng. Với những chính trị gia ủng hộ quan điểm này, các biện pháp trừng phạt có mục tiêu hay tuyên bố công khai cứng rắn là những công cụ cần thiết.

Thực tế suốt nhiều năm qua, EU đã duy trì lập trường linh hoạt với Trung Quốc, vận dụng những chính sách độc lập và tách biệt các lĩnh vực từ thương mại đến nhân quyền.

Nhưng trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện tại, đã có những dấu hiệu về sự thống nhất chính sách. Rằng nếu Bắc Kinh trả đũa bằng cách trừng phạt ngược lại các quan chức châu Âu, động thái đó sẽ tác động nhiều lĩnh vực quan hệ khác như hiệp định đầu tư toàn diện CAI.

Diên Vỹ
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc