“Không phải OPEC, Nga mới đang là lực lượng chi phối giá dầu toàn cầu”
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia trong một cuộc gặp - Ảnh: Reuters.

Các nước sản xuất dầu là thành viên của OPEC+ sẽ có cuộc họp vào ngày 2/8 để bàn về sản lượng trong thời gian tới. Lần đầu tiên trong vòng một năm trở lại đây, không có sẵn một kế hoạch sản lượng rõ ràng nào để liên minh có thể phê chuẩn ngay.

Vì thế, nhà bình luận Julian Lee của hãng tin Bloomberg cho rằng cuộc họp trực tuyến này của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga, có thể mang đến một số bất ngờ.

Về mặt lý thuyết, OPEC+ đã khôi phục lại toàn bộ phần sản lượng mà liên minh đã cắt giảm vào tháng 4/2020 - khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu - vì mục tiêu sản lượng của tháng 8 hiện đã trở lại mức cơ sở ban đầu trước khi cắt giảm.

Nhưng trên thực tế, sản lượng của OPEC+ đang thấp hơn nhiều so với con số thoả thuận. Trong tháng 5, sản lượng thực tế của nhóm thấp hơn 2,7 triệu thùng/ngày so với kế hoạch – theo dữ liệu được công bố mới nhất. Còn theo dữ liệu nội bộ của OPEC+ do Reuters thu thập được, phần sản lượng hao hụt so với mục tiêu của liên minh trong tháng 6 là 3 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 3% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.

Gần một nửa phần sản lượng hao hụt đó là do mất mát sản lượng dầu Nga. Dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế của Nga đã bị khách hàng châu Âu “quay lưng” kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Việc tăng bán dầu cho khách châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp Nga giảm bớt ảnh hưởng từ lệnh cấm vận mà Liên minh châu Âu (EU) áp lên dầu Nga, nhưng chưa thể bù đắp hoàn toàn được sự mất mát doanh số ở thị trường châu Âu.

OPEC+ đang đứng trước những lời kêu gọi tăng sản lượng. Trong chuyến thăm Saudi Arabia hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi nhóm này bơm thêm dầu để chống lại sự leo thang của lạm phát. Cuộc họp ngày 1/8 sẽ là cơ hội đầu tiên để tất cả thành viên trong nhóm thảo luận về đề xuất đó.

Nếu OPEC+ nghiêm túc tính chuyện tăng sản lượng thêm lần nữa - một việc không ai dám chắc - nhóm có thể sẽ nâng hạn ngạch khai thác dầu cho tất cả các nước thành viên. Nhưng việc đó sẽ chỉ làm gia tăng khoảng cách giữa sản lượng mục tiêu và sản lượng thực tế, xét tới việc hầu như không nước nào trong nhóm còn khả năng bơm nhiều dầu hơn so với mức hiện tại. Thực ra, chỉ có Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc thống nhất (UAE) là có công suất khai thác dầu dự trữ đáng kể, nhưng vẫn còn đó những câu hỏi về khả năng tăng sản lượng thực tế của hai quốc gia này.

Một lựa chọn còn lại để bù đắp cho sự hao hụt sản lượng của một số thành viên OPEC+ là cho phép những nước có công suất dự trữ được bơm nhiều dầu hơn, tức là phân bổ lại phần hạn ngạch không được sử dụng trong tổng hạn ngạch đang có của toàn khối. Đây có vẻ là một giải pháp logic, nhưng cho tới hiện tại, OPEC+ chưa phát tín hiệu nào sẽ đi theo hướng này. Thậm chí, sự phản đối có thể xuất hiện nếu có bất kỳ kế hoạch nào về việc phân bổ lại phần hạn ngạch không được dùng hết.

Tuy nhiên, khoảng cách ngày càng lớn giữa sản lượng mục tiêu và sản lượng thực tế đang làm suy giảm uy tín của OPEC+. Nhóm này khó có thể tuyên bố rằng mình đang giúp ổn định thị trường dầu lửa, trong lúc giá dầu vẫn còn cao và các kế hoạch sản lượng của họ bị xem là “nói một đằng làm một nẻo”.

“Không phải OPEC, Nga mới đang là lực lượng chi phối giá dầu toàn cầu” - Ảnh 1

Nhà bình luận Lee không cho rằng Nga sẽ nhường phần hạn ngạch sản lượng dầu không được sử dụng đến của nước này cho các thành viên khác, dù chỉ là nhường tạm thời, trừ phi Nga nhận được thứ gì đó đổi lại. Các nước OPEC đã phải bỏ ra rất nhiều vốn liếng chính trị để đưa Nga vào liên minh và sẽ làm tất cả những gì cần thiết để giữ Nga ở lại. Họ sẽ không giảm hạn ngạch của Nga về dưới mức ngang bằng với hạn ngạch của Saudi Arabia, và điều này sẽ khiến cho việc phân bổ lại phần hạn ngạch không được dùng hết của các quốc gia khác gặp trở ngại.

Ngoài ra, ông Lee cũng cho rằng cũng khó có chuyện Nga sẽ ủng hộ bất kỳ một biện pháp nào khiến cho giá dầu giảm nhiều. Để thuyết phục các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ mua dầu Nga, phía Nga đã buộc phải đưa ra mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Hồi tháng 4-5, dầu thô Urals của Nga loại xuất khẩu có giá thấp hơn gần 35 USD/thùng so với giá dầu Brent, giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu. Khoảng cách này gần đây được rút ngắn, nhưng ở thời điểm giữa tháng 7, giá dầu Urals vẫn thấp hơn 25 USD/thùng so với dầu Brent.

Thực tế này loại trừ khả năng OPEC+ tăng mạnh sản lược mục tiêu, vì Nga không muốn giá dầu giảm sâu hơn nữa. Điện Kremlin cần duy trì nguồn thu ngân sách trong bối cảnh chiến tranh và lệnh trừng phạt.


“Không phải OPEC, Nga mới đang là lực lượng chi phối giá dầu toàn cầu” - Ảnh 2

Nhưng chính các nhà phân tích của OPEC đã nói về nhu cầu ngày càng lớn đối với dầu thô của khối. Theo dữ liệu của OPEC, thế giới sẽ cần 30,5 triệu thùng dầu mỗi ngày từ OPEC trong quý 3 năm nay để cân bằng cung-cầu. Con số này nhiều hơn 1,74 triệu thùng ngày so với sản lượng thực tế trong tháng 7 của OPEC, nhóm gồm 13 quốc gia.

Người tiêu dùng trên toàn cầu đang “hút” hơn 1 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu tinh luyện mỗi ngày từ dự trữ khẩn cấp, nhưng phần lớn việc rút dầu từ dự trữ để dùng như vậy được dự báo sẽ chấm dứt vào tháng 10. Nếu OPEC không bù đắp được phần thiếu hụt đó, giá dầu sẽ phải tăng hoặc nhu cầu phải giảm xuống, nhưng khả năng cao nhất là một trong hai diễn biến này sẽ được tiếp nối bởi diễn biến còn lại.

Cuộc họp ngày 2/8 sẽ là cuộc họp đầu tiên trong hơn 1 năm của OPEC+ không có kế hoạch sản lượng đã được nhất trí từ trước. Điều này có thể cho phép liên minh đánh giá kỹ hơn về nhu cầu thực sự của thế giới. Tuy nhiên, ông Lee cho rằng ảnh hưởng của Nga có thể cản trở bất kỳ nỗ lực nào nhằm kéo giá dầu xuống.

Bùi Minh
Nguồn: VEN
Link bài viết gốc