M&A bất động sản tăng nhiệt
Dòng vốn M&A (mua bán - sáp nhập) bất động sản đang đổ dồn ra các đô thị vệ tinh bằng “lối đánh” thần tốc, được dự báo tiếp tục tăng nhiệt trong thời gian tới.
Đổ ra vùng ven
Nói về sức cầu ở thực và nhu cầu đầu tư, TP.HCM và Hà Nội vẫn đứng ngôi đầu bảng, nhưng trước thực tế nguồn cung không còn nhiều, giá đất nội đô tăng cao và ách tắc trong quy trình thủ tục khiến thị trường M&A hình thành một dòng chảy mới, hướng về các đô thị vệ tinh.
Với Novaland, M&A là một công cụ tích cực và hiệu quả trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Hiện Novaland nắm trong tay hơn 5.000 ha đất, trong đó tại TP.HCM gần 700 ha, quỹ đất còn lại ở các khu vực vệ tinh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Cuối năm 2020, doanh nghiệp này đã “chốt hạ” thành công một thương vụ M&A dự án có quy mô 286 ha ở Đồng Nai, cùng một số thương vụ ở các địa phương khác, tổng giá trị giao dịch gần 1 tỷ USD. Bước sang năm 2021, Novaland triển khai rầm rộ một loạt dự án tại vùng ven, nhằm thực hiện chiến lược phát triển chuỗi giá trị hệ sinh thái bất động sản.
“M&A giúp Tập đoàn đi sâu vào chuỗi giá trị của mình, gia tăng thị phần, sản phẩm, tiếp cận với thị trường, mang lại các giá trị chung cho cộng đồng”, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland cho hay.
Với Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, hầu hết các quỹ đất của doanh nghiệp này nằm ở vùng ven. Trong năm 2021, Nam Long sẽ tăng trưởng thị phần nhà ở bằng cách phát triển thêm phân khúc mới.
Để thực hiện được mục tiêu này, Nam Long sẽ chuẩn hóa việc phân bổ và đầu tư vốn, xây dựng chiến lược huy động vốn chủ sở hữu thông qua các hoạt động kêu gọi vốn ngoại, M&A. Có thể nói, Nam Long là doanh nghiệp rất chịu khó tích lũy quỹ đất, mỗi năm đều đặn dành 2.000 tỷ đồng để mua thêm đất. Trong năm 2020, Nam Long đã mua thêm 20 ha đất tại Dự án Waterfront Đồng Nai từ Keppel Land, nâng tổng quỹ đất lên 701 ha, trong đó các dự án đều thuộc phân khúc trung, cao cấp.
Ngoài những “ông lớn” kể trên, nhận diện được cơ hội mới, nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng đẩy mạnh hoạt động săn tìm quỹ đất tại các đô thị vệ tinh. Tập đoàn Bất động sản An Gia đã công bố chi thêm từ 3.000 đến 5.000 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện tham vọng bành trướng quỹ đất, nhắm đến những khu đất quy mô lớn ở vùng ven để triển khai các dự án phức hợp.
Mới đây, An Gia đã mua quỹ đất khoảng 3 ha tại Bình Dương với quy mô gần 3.000 sản phẩm và đang trong quá trình hoàn tất đàm phán tiếp tục mua thêm 30 - 50 ha quỹ đất thấp tầng.
Ông Nguyễn Trung Tín, Phó tổng giám đốc An Gia tiết lộ, ngoài TP.HCM, việc phát triển quỹ đất ở các tỉnh lân cận mà trọng tâm là Bình Dương sẽ được An Gia chú trọng.
Những cái tên khác như Tập đoàn Danh Khôi, Công ty LDG, Hưng Thịnh, Khang Điền… cũng đang tích cực “đi chợ” dự án. Trong nghị quyết vừa được công bố mới đây, Khang Điền sẽ tăng vốn ngàn tỷ nhằm thực hiện tham vọng mở rộng quỹ đất ở Thủ Đức, nơi có tốc độ đô thị hóa và nhu cầu nhà ở, đầu tư cao nhất tại TP.HCM hiện nay.
Doanh nghiệp nội dẫn dắt cuộc chơi
Trong những năm qua, bên cạnh các chủ đầu tư nước ngoài quen thuộc, nhiều thương hiệu của chủ đầu tư nội đã lớn mạnh không ngừng, trưởng thành chuyên nghiệp và thể hiện sự vượt trội. Họ đã tạo ra nhiều thay đổi cũng như những xu hướng mới, dẫn dắt sự phát triển của thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D Công ty DKRA Việt Nam cho rằng, giai đoạn trước, các chủ đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế trên thị trường với những dự án đẳng cấp, nhưng 5 - 6 năm trở lại đây, những chủ đầu tư của Việt Nam đã có sự trưởng thành tương đương hoặc thậm chí vượt trội.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm mới hoặc xu hướng sống mới, một số chủ đầu tư lớn còn xây dựng nên một hệ sinh thái liên kết, bổ trợ giá trị cho nhau.
Chẳng hạn Tập đoàn NovaLand, khác với một số doanh nghiệp đang đi theo hướng phát triển các dự án nhà ở đô thị, hướng đi hiện nay của NovaLand là sau M&A sẽ hồi sinh các dự án mang tính chất điểm nhấn của cả một khu vực rộng lớn.
Cùng với Aqua City tại Đồng Nai, Dự án đảo Đại Phước - vùng đất được mệnh danh là “hòn ngọc phía Đông Sài Gòn”, nhưng từ lâu vẫn ngủ yên, đang được Novaland đánh thức. Đầu năm 2021, Novaland đã đưa gần 1.000 sản phẩm bất động sản liền thổ tại dự án này ra thị trường.
Nhận định về tiềm năng của thị trường M&A bất động sản năm 2021, bà Kim Ngọc, Giám đốc Bộ phận tư vấn và thẩm định giá Colliers cho biết, những sửa đổi, cập nhật trong Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp sẽ giúp hoạt động M&A trở nên sôi động hơn.
“Thành công trong việc kiểm soát Covid-19 và ổn định kinh tế, Việt Nam có nền tảng tốt để khởi động các hoạt động M&A, giúp thị trường nhanh chóng hồi phục, trong đó, bất động sản là lĩnh vực có thể thu hút dòng tiền lớn”, bà Ngọc nhận định.
Trong khi đó, JLL Việt Nam cũng đánh giá, trong năm nay, M&A có thể bùng nổ ở phân khúc bất động sản công nghiệp, khi dòng vốn đầu tư vào thị trường này đứng trước cơ hội tăng cao, đặc biệt là vốn FDI.