Phát triển bền vững: "Điểm cộng" để thu hút nhiều hơn FDI từ EU
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp địa phương… nhằm thu hút dòng chảy FDI từ EU hơn nữa…
Theo số liệu thống kê, EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27,6 tỷ USD lũy kế đến tháng 8 năm 2022. Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với 104 dự án cấp mới.
THU HÚT DÒNG ĐẦU TƯ CÓ CHẤT LƯỢNG
Tại toạ đàm “Tận dụng lợi ích từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA” ngày 6/12, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thực thi, dòng vốn đầu tư đăng ký mới từ khu vực EU vào thị trường Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể.
Sự gia tăng này không chỉ thể hiện ở tổng số vốn mà còn thể hiện ở quy mô trung bình của các dự án. Quy mô vốn trung bình của các dự án đăng ký mới từ EU đã có xu hướng tăng trong những năm trở lại đây và khoảng trên dưới 12 triệu/dự án là mức cao hơn so với bình quân chung và so với giai đoạn trước khi có EVFTA.
“EVFTA đã giúp thu hút được dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn vào Việt Nam, phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị sau khi đã ban hành Nghị quyết 50 vào năm 2019 về các định hướng mới thu hút đầu tư nước ngoài gắn với việc sàng lọc và tập trung thu hút các dự án có chất lượng”, ông Dương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nguồn vốn bổ sung từ phía EU không phải chỉ từ vốn đầu tư mà nó còn từ hỗ trợ qua kênh Chính phủ với Chính phủ. Liên minh Châu Âu và các Chính phủ của các nước thành viên EU đã có những hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực, đáp ứng được những tiêu chuẩn về thương mại, đầu tư mà phía EU cần.
Hỗ trợ của EU trong chuyển giao kỹ năng cũng đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan của Việt Nam điều chỉnh hành vi của mình theo hướng tương thích, hiện đại hơn.
Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cũng cho biết cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam luôn đánh giá Việt Nam là một môi trường đầu tư đầy tiềm năng. Đã có 12 dự án lớn, nhỏ của doanh nghiệp Đức xin cấp phép đầu tư tại Việt Nam tính từ ngày 15/3 đến nay.
Doanh nghiệp Đức mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong những ngành sản xuất, về công nghệ cao, về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, về IT, phát triển phần mềm, ngành thực phẩm, chế biến đồ uống, điện tử và đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.
Điều đáng nói, các nhà đầu tư Đức luôn luôn mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp địa phương, đẩy mạnh hàm lượng nội địa hóa trong các sản phẩm của họ được sản xuất tại Việt Nam không phải là 4-5% mà lên tới con số 30%.
Mặt khác, các doanh nghiệp Đức luôn sẵn sàng hợp tác, trao đổi công nghệ, kết hợp đào tạo với nguồn nhân lực trong nước giúp họ có tay nghề theo tiêu chuẩn của Cộng hòa Liên bang Đức. Đồng thời giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa và áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại theo tiêu chuẩn của Đức nhằm nâng cao tính cạnh tranh, lớn mạnh bằng chính nội lực của mình.
GIA TĂNG LỢI ÍCH TỪ FDI CỦA EU
Ông Dương cho rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp EU. Đó là xu hướng chuyển hướng của nhà đầu tư từ EU sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam có rất nhiều lợi thế, là thị trường có nhiều mạng lưới các FTA với các đối tác khác… Đây sẽ là một điểm cộng để nhà đầu tư EU đến Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi thuế, ưu đãi về quy tắc xuất xứ để từ đó xuất xuất khẩu sang các thị trường khác.
Ngoài ra, xu hướng đầu tư của EU gắn với tiêu chuẩn phát triển bền vững. EU không không quá coi trọng câu chuyện giá rẻ hay công nghệ thấp mà họ nhìn nhận hơn câu chuyện đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Là câu chuyện gắn ý thức với phát triển bền vững, gắn với tiêu dùng và sản xuất bền vững.
Do vậy, để thu hút đầu tư nước ngoài từ EU, bên cạnh môi trường kinh doanh thông thoáng thì Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn ngặt nghèo về phát triển bền vững của EU.
Theo ông Dương, vai trò của các bộ, ngành và Hiệp hội doanh nghiệp trong việc chia sẻ những thực tiễn tốt nhằm đáp ứng được xu hướng mới của nhà đầu tư từ phía EU yêu cầu là rất quan trọng. Đồng thời, chúng ta cần tạo được một hệ sinh thái cho hoạt động của doanh nghiệp, của nhà đầu tư EU.
Bà Đào Thu Trang lưu ý, để gia tăng đầu tư EU tại Việt Nam, các cơ quan quản lý của Việt Nam cần tăng cường hiệu quả công tác thực thi Hiệp định, xây dựng, sửa đổi những văn bản luật có liên quan để phát huy đầu tư EU vào Việt Nam.
Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng uy tín và bền vững, giúp cho các nhà đầu tư EU, cụ thể doanh nghiệp Đức đạt được mục tiêu là tăng được hàm lượng nội địa lên đến 30%.
Ở góc độ nhà nước, Chính phủ Việt Nam có những chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng để giúp cho doanh nghiệp của Đức, các nhà đầu tư châu Âu yên tâm trong vấn đề phát triển lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam.
Đẩy mạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, giảm những chi phí về logistics, qua đó cũng hỗ trợ doanh nghiệp Đức và Châu Âu giảm được chi phí sản xuất.
Cuối cùng, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, các ngành công nghiệp, công nghệ thân thiện với môi trường năng lượng hiệu quả để từ đó có thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư cũng như những yêu cầu, những quy định mà Châu Âu đề ra đối với xuất khẩu từ Việt Nam.