Thị trường bất động sản thương mại phục hồi tích cực
Ảnh minh hoạ

Cụ thể, thị trường khách sạn hoạt động khởi sắc hơn khi trong quý 2 vừa qua, công suất thuê phòng trung bình tăng 20 điểm % theo quý, và 16 điểm % theo năm, đạt 43%.

GIÁ THUÊ KHÁCH SẠN TĂNG 14%

Giá phòng khách sạn trung bình đạt 2 triệu đồng, tăng 11% theo quý và 14% theo năm. Nguồn cung hiện gồm 9.983 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 16 khách sạn 4 sao và 31 khách sạn 3.

Những tháng tới 2022, hứa hẹn kết quả kinh doanh khách sạn sẽ khả quan hơn vì ảnh hưởng của đại dịch đã bắt đầu giảm và niềm tin của khách du lịch đang dần trở lại.

 “Thị trường du lịch đang phục hồi. Nhiều dự án trong thành phố có công suất thuê cao với sự trở lại của khách công tác và khách trong nước. Các thị trường nguồn mới đối với khách tham quan du lịch và khách công tác như Ấn Độ đang bắt đầu hiện diện. Các dự án nghỉ dưỡng đạt công suất cao, tập trung vào phân khúc hạng sang. Trong khi các dự án lớn định vị không tốt đang gặp khó khăn. Thời gian tới, thị trường sẽ có sự phân chia rõ rệt, với sự tập trung vào sản phẩm chất lượng hơn số lượng”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định.

Thị trường bất động sản thương mại phục hồi tích cực - Ảnh 1Bên cạnh phân khúc khách sạn, phân khúc căn hộ dịch vụ cũng được cải thiện ở tất cả các hạng. Hạng C ghi nhận tăng trưởng cao nhất, với 16% theo quý. Tổng nguồn cung hiện gồm 5.719 căn từ 62 dự án, tăng 1% theo quý và 3% theo năm.

Dẫn đầu nguồn cung vẫn là khu vực nội thành khi chiếm tới 60% tổng nguồn cung, theo sau là khu vực phía Tây. Trong đó, hạng A chiếm nhiều thị phần nhất.

Về giá thuê, quận Nam Từ Liêm có mức cho thuê cao nhất, đạt 640.000 đồng/m2/tháng. Báo cáo của Savills cho biết, trong tương lai, khu vực nội thành cung cấp tới 82% tổng nguồn cung. Tuy nhiên, các dự án cơ sở hạ tầng được hoàn thiện giúp tăng kết nối giữa các tỉnh và Hà Nội, từ đó sẽ góp phần khiến nguồn cầu tăng cao. 

GIÁ THUÊ VĂN PHÒNG HẠNG A CAO NHẤT TRONG 10 NĂM QUA

Về thị trường văn phòng, công suất thuê được cải thiện rõ rệt trong nửa đầu năm 2022, khi đạt 88%, tăng 2 điểm % theo quý, diện tích cho thuê thêm đạt 80.200 m2, cao hơn so với cả năm 2021. Trong đó, hạng A cùng nguồn cung khan hiếm đã giúp giá thuê đạt mức cao nhất trong 10 năm qua; hạng B là sản phẩm được ưa chuộng nhất, còn hạng C vẫn đạt tỷ lệ lấp đầy cao nhất với 93%.

Savills dự tính, đến cuối năm 2022, sẽ có 112.600 m² văn phòng từ 4 dự án gia nhập thị trường, nhiều dự án cao cấp mới từ năm 2023 – 2025 sẽ đáp ứng nhu cầu thuê tăng cao trong tương lai.

Riêng thị trường mặt bằng bán lẻ, tình hình hoạt động được đánh giá là kém sôi động hơn, khi công suất thuê giảm 3 điểm % theo quý và giảm 4 điểm % theo năm, đạt 89%.

Khu vực phía Tây có diện tích cho thuê thêm tăng cao nhất, đạt 30.600 m². Khối đế bán lẻ có diện tích cho thuê thêm tăng cao nhất (đạt 12.200 m²), đồng thời là phân khúc tiếp tục chiếm tỷ trọng cho thuê cao nhất.

Thị trường bất động sản thương mại phục hồi tích cực - Ảnh 2

Khối đế bán lẻ cũng có mức tăng trưởng cao nhất về nguồn cung, đạt 6%/năm. Tổng nguồn cung đạt 1,7 triệu m², tăng 3% theo quý và 7% theo năm.

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội, nguồn cầu thuê mặt bằng bán lẻ đang tập trung chủ yếu vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các cửa hàng ăn uống. Trong khi đó, thời trang, mỹ phẩm có dấu hiệu chậm lại về nhu cầu mở rộng.

Dự kiến, từ giờ đến cuối năm 2022, thị trường bán lẻ vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng về nguồn cung. Trong đó, khối đế bán lẻ sẽ chiếm 69% và trung tâm mua sắm sẽ chiếm 31% tổng nguồn cung tương lai. Tuy nhiên, tình hình hoạt động sẽ không có nhiều đột phá.

Phan Nam
Nguồn: VEN
Link bài viết gốc