Xử lý đất đai cho doanh nghiệp: Gỡ nhưng vẫn vướng
Ảnh minh hoạ.

Vấn đề vướng mắc về đất đai của các doanh nghiệp tồn tại đã nhiều năm qua nhưng việc xử lý gần như “dậm chân tại chỗ”.

CHẬM TRỄ HÀNG CHỤC NĂM

Nhiều doanh nghiệp vướng mắc với đơn giá đất được điều chỉnh tùy theo đối tượng, vấn đề xác định giá trị đất được tính tại thời điểm lập hội đồng thẩm định; Nhiều doanh nghiệp đã nhiều năm vẫn chưa có hợp đồng thuê đất, muốn đóng tiền sử dụng đất đúng thời hạn nhưng không được.

Nếu doanh nghiệp vướng vào tình huống hợp đồng thuê đất không khớp với diện tích thực tế do bị chồng lấn, việc xin điều chỉnh hợp đồng đúng diện tích thực tế rất khó khăn.

Theo bà Trương Thị Hương Giang, Công ty Liksin, tiền thuê đất bị dồn ứ nhiều năm, có khi hàng chục năm, nếu phải đóng theo giá thẩm định hiện tại thì tiền thuê đất nhiều khi còn lớn hơn cả quy mô vốn của công ty. Có doanh nghiệp đã đóng tiền tạm ứng để mua đất nhưng không mua được, đề nghị trả lại tiền cũng không được giải quyết.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về lĩnh vực đất đai, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã tổ chức buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền vào ngày 09/8/2022.

Nhiều tình huống vướng mắc đất đai được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tháo gỡ trong buổi đối thoại với doanh nghiệp - Ảnh: VNE.  
Nhiều tình huống vướng mắc đất đai được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tháo gỡ trong buổi đối thoại với doanh nghiệp - Ảnh: VNE.  

Tại buổi đối thoại, trường hợp của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận 4 đang vướng về nghĩa vụ tài chính đối với phần đất được giao để đầu tư xây dựng khu nhà ở trên địa bàn phường 3 của quận đã được đưa ra.

Với tổng diện tích được giao là 22.976m2, trong đó, diện tích đất ở là 10.506m2 theo Quyết định 172/QĐ-TTg năm 1996, công ty đã nộp tiền sử dụng đất cho diện tích đất ở và được Chi cục thuế quận 4 xác nhận năm 2007 là 17 tỷ đồng. Do có điều chỉnh, nên phần diện tích đất chênh lệch tăng thêm là 1.978,2m2, công ty cũng đã nộp đủ số tiền 22,7 tỷ đồng vào ngân sách.

Tuy nhiên, Chi cục thuế quận 4 xác định số tiền trên là tạm tính và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xác định tiền sử dụng đất phần đất chênh lệch trên.

Từ năm 2016 đến nay, công ty đã có các văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xác định giá đất thực hiện nghĩa vụ tài chính của diện tích đất này, nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến trả lời của Sở. Dù vậy, công ty vẫn tạm nộp cho phần diện tích chênh lệch này là 60 tỷ đồng.

Đến năm 2021, khi xử lý các vấn đề giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian thuê đất, cơ quan thuế phát hiện tên trên hợp đồng thuê và con dấu không khớp. Mặc dù doanh nghiệp đã xin chuyển tên nhưng chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết, ảnh hưởng đến quyền lợi tổng công ty.

Trường hợp khác là Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn có một số khu đất đã được phê duyệt thực hiện dự án, công trình đã đưa vào sử dụng. Doanh nghiệp làm thủ tục xin cập nhật tài sản vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Sở Tài nguyên và Môi trường lại bảo chờ ý kiến theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Dù các khu đất đã được phê duyệt phương án tổng thể, đã có quyết định của UBND TP.HCM cho thuê đất vào năm 2014, đến nay 8 năm chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường ký.

Tổng công ty cũng có khu đất tại địa chỉ 203 Bình Quới. Năm 2020, quận Bình Thạnh có kế hoạch thu một phần diện tích là 400m2, công ty đã trả lại. Doanh nghiệp đã làm thủ tục xin giảm diện tích đất, đã gửi hồ sơ nhưng đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng Sở vẫn chưa điều chỉnh giảm. Trong khi hằng năm doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế theo diện tích cũ.

THÁO GỠ BẤT CẬP

Giải đáp vướng mắc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận 4, ông Võ Công Lực, Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết Sở đang rà soát hồ sơ liên quan đến việc xác định tiền sử dụng đất đối với khu đất dự án để Công ty Dịch vụ công ích Quận 4 hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Tuy nhiên, công tác xác định giá đất cụ thể còn gặp khó khăn, vướng mắc nên việc tham mưu xác định nghĩa vụ tài chính đối với khu đất còn chậm trễ, thời gian kéo dài. 

Nguyên nhân, do các đơn vị tư vấn e ngại, không tham gia thực hiện lập chứng thư tư vấn xác định nghĩa vụ tài chính hoặc nếu chọn được đơn vị tư vấn thì chứng thư thẩm định giá được thực hiện không đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ (có dự án phải thay đổi đơn vị tư vấn). Việc lập chứng thư không đảm bảo theo thời gian ký kết, ảnh hưởng đến công tác thẩm định giá.

Với đề nghị của Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, yêu cầu Tổng công ty gửi nội dung kiến nghị thật chính xác để sở trả lời cụ thể.

Ông Thắng cho biết thêm tất cả doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng nhà và đất đều phải thực hiện theo Nghị định 167 và Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167. Sau đó, mới xử lý theo quy định của Luật Đất đai.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM: "1 m2 đất của nhà nước cũng phải sử dụng đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ tài chính..." - Ảnh: VNE.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM: "1 m2 đất của nhà nước cũng phải sử dụng đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ tài chính..." - Ảnh: VNE.

Về tính tiền thuê đất, tất cả những gì doanh nghiệp đang sử dụng thì ngành thuế vẫn thu theo mục đích và diện tích sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ cho nhà nước.

Các doanh nghiệp nhà nước cần quản lý, sử dụng các khu đất là tài sản công của nhà nước phải đúng theo lĩnh vực ngành nghề quản lý và quy hoạch đã được phê duyệt. 

“Các doanh nghiệp khi quản lý, sử dụng phải tuân thủ đúng các trình tự thủ tục về tài sản công, bởi một m2 đất của nhà nước cũng phải sử dụng đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ tài chính và đều phải quản lý chặt chẽ đảm bảo hiệu quả”, ông Thắng nhấn mạnh.

Sau Hội nghị đối thoại, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp nhận đầy đủ các hồ sơ liên quan đến các vấn đề của doanh nghiệp đặt ra, sau đó sẽ có câu trả lời đầy đủ, chính xác. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đối với từng vụ việc tồn đọng mà doanh nghiệp kiến nghị.

 

35 dự án chưa được cấp giấy chứng nhận

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM có 35 dự án chưa được cấp giấy chứng nhận.

Theo ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, có 4 vướng mắc chính, đó là do dự án có nguồn gốc nhà đất công sản, đất sử dụng cho công ích; do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung; do cơ quan nhà nước đang thanh tra, kiểm tra; do vi phạm xây dựng.

Trong 35 dự án chưa được cấp giấy chứng nhận, có tới 21 dự án vướng mắc trong việc tính nghĩa vụ tài chính bổ sung với tổng số 16.827 căn nhà. Sở Tài nguyên và Môi trường đã giải quyết cấp giấy chứng nhận là 5.254 căn.

Hiện còn 11.573 căn chưa được cấp giấy chứng nhận. Trong đó, có 1.772 căn đã nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có phiếu chuyển thông tin địa chính và người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan; 1.060 căn đã nộp hồ sơ cấp giấy nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có phiếu chuyển thông tin địa chính. Số còn lại 8.741 căn nhà chưa nộp hồ sơ tới Sở này.

 

Ban Mai
Nguồn: VEN
Link bài viết gốc