Thực hiện net zero, ngành gỗ sẽ tự tin mặc cả giá
Tự nguyện sản xuất xanh sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài khó tính. Khi đó doanh nghiệp có quyền mặc cả giá cho sản phẩm của mình mà không bị ép giá...
Dù ngành gỗ hiện vẫn chưa chịu nhiều áp lực từ việc giảm phát thải carbon, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ không tránh khỏi. Vì thế ngay từ bây giờ các doanh nghiệp gỗ cần phải thay đổi cách làm truyền thống theo hướng giảm phát thải, xanh hóa chuỗi cung ứng hiện tại, coi đây là cơ hội để chuyển mình chứ không nên nhìn nhận là thách thức.
Hiện Việt Nam đứng thứ bảy trên thế giới về sản xuất sản phẩm gỗ và đồ nội thất, là nước xuất khẩu lớn thứ hai trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đứng thứ năm thế giới với thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc.
Mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 20 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 18,5 tỷ USD. Đến năm 2030, giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 20,4 tỷ USD.
DOANH NGHIỆP VẪN MƠ HỒ
Biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính tác động vô cùng lớn tới mọi lĩnh vực của mọi quốc gia, nên nhiều nước đã cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể (net zero). Thu thập thông tin cho biết đến hết ngày 1/6/2022 đã có 128 quốc gia cam kết net zero, chiếm tới 90% GDP toàn cầu và chiếm 88% phát thải nhiên liệu hoá thạch toàn cầu.
Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Quản lý tài nguyên và Chính sách thương mại, Tổ chức Forest Trends, cho biết hai thị trường lớn là EU và Hoa Kỳ thời gian tới sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu. Nếu hàm lượng carbon cao hơn quy định thì bắt buộc các nhà xuất khẩu phải trả chi phí bằng thuế hoặc tín chỉ carbon.
Cụ thể với thị trường EU, TS. Hà Huy Tuấn, Trường đại học Chu Văn An (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia), cho rằng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU tác động đến doanh nghiệp Việt Nam trong đó có ngành gỗ.
Cơ chế điều chỉnh CBAM đang được các bên đàm phán từ 2019 - 2022 trong khuôn khổ thỏa thuận xanh của châu Âu. Cơ chế này dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2023, qua thời kỳ quá độ 2022 – 2026 để tổng hợp dữ liệu, trao đổi thông tin, thí điểm kê khai và dự kiến được áp dụng chính thức và đầy đủ từ 2027. Trước mắt CBAM sẽ được áp dụng với các mặt hàng sắt, thép, nhôm, điện, phân bón và xi măng, sau đó từ năm 2030 mở rộng ra toàn bộ các sản phẩm nhập khẩu.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), bổ sung CBAM chỉ là một yêu cầu của EU. Hoa Kỳ hiện đang dự thảo một đạo luật nghiêm hơn CBAM rất nhiều và khả năng thực thi rất sớm, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh cũng tương tự… “Những thị trường xuất khẩu chính của chúng ta đang có xu hướng như vậy. Chúng ta tiếp tục hay phải dừng cuộc chơi?”, bà Thủy đặt câu hỏi.
Không chỉ đáp ứng yêu cầu từ các nhà nhập khẩu, yêu cầu từ trong nước cũng đòi hỏi các doanh nghiệp gỗ phải thay đổi theo hướng xanh. Theo ông Phúc, ngay sau khi Thủ tướng cam kết đến 2050 Việt Nam sẽ giảm mức phát thải carbon về 0, chúng ta đã có những văn bản quan trọng để hiện thực hóa cam kết này.
Thống kê chưa đầy đủ, trong 1.912 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính thời gian tới, thì ngành gỗ có 62 doanh nghiệp, gồm: doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ: 43, ván gỗ: 16, viên nén: 3. Trong khi đó, thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước có 5.300 doanh nghiệp đang tham gia vào các khâu khác nhau của ngành.
Tuy nhiên, net zero với ngành gỗ không dễ dàng chút nào. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng hành trình của ngành gỗ để đi tới net zero là cả một vấn đề. Chuyển đổi xanh với doanh nghiệp ngành gỗ có vẻ vẫn còn mơ hồ. Nhiều nhà máy sản xuất viên nén gỗ lớn (12 MW) nhưng không có chứng chỉ xanh… cái này doanh nghiệp không biết, cũng như rất yếu về kỹ thuật. Hơn nữa, với chu kỳ 5 năm là khoảng thời gian quá ngắn cho doanh nghiệp để chuyển đổi.