Tổng thống Mỹ gặp Thủ tướng Nhật tại Washington hôm nay
Theo Nikkei Asia, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga ngày 15/4 đã bay tới Washington để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với một nhà lãnh đạo nước ngoài của Tổng thống Mỹ Biden kể từ khi nhậm chức tổng thống hối tháng 1.
Trả lời truyền thông trước khi rời Tokyo tối 15/4 (giờ địa phương), ông Suga cho biết muốn củng cố lòng tin với Tổng thống Mỹ và củng cố hơn nữa liên minh Nhật - Mỹ.
"Để hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, tôi muốn chứng minh cho thế giới thấy vai trò lãnh đạo của Nhật Bản và Mỹ", Thủ tướng Nhật nhấn mạnh.
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với một nhà lãnh đạo nước ngoài của Tổng thống Biden kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật mất nhiều tháng mới có thể sắp xếp do tình hình đại dịch Covid-19 cũng như những vấn đề bất đồng. Điều này ngược lại hoàn toàn với cuộc gặp đầu tiên được sắp xếp chóng vánh của hai nhà lãnh đạo tiền nhiệm Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe, diễn ra chỉ một tuần sau khi ông Trump đắc cử tổng thống năm 2016.
Theo các nhà phân tích, mục tiêu chính của thượng đỉnh Mỹ - Nhật lần này sẽ là đồng bộ hóa các chính sách về an ninh và kinh tế. Tuy nhiên, điều ông Biden muốn và điều Nhật có thể làm có thể đưa ông Suga vào thế khó.
"Điều đầu tiên đối với bất kỳ thủ tướng Nhật nào chỉ là thể hiện rằng họ là người có khả năng điều phối mối quan hệ này", nhà phân tích Tobias Harris của công ty tư vấn Teneo, nhận xét. "Chính quyền của ông Biden dường như thực sự muốn dùng điều này để phát đi một số tín hiệu rõ ràng".
Một số nhà phân tích cho rằng có lẽ vấn đề đáng quan ngại nhất đối ông Suga là việc Nhà Trắng muốn thúc đẩy tiến tới một tuyên bố chung trong đó có nội dung ủng hộ Đài Loan. Các vấn đề liên quan tới vùng lãnh thổ này không được đề cập trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật kể từ năm 1969. Tuy nhiên, các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng hai bên đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của hòa bình và sự ổn định ở eo biển Đài Loan" trong cuộc họp 2 + 2 tại Tokyo hồi tháng trước.
Ông Biden có thể sẽ muốn Nhật cùng tham gia với Mỹ, Canada, Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) - những quốc gia đã áp lệnh cấm vận với nhiều quan chức Trung Quốc cũng như lãnh đạo quân đội Myanmar. Trong khi đó, Tokyo được cho là muốn duy trì quan hệ cũng như ảnh hưởng với Bắc Kinh và Naypyidaw.
Giới phân tích cho rằng, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu tại Washington. Ông Suga đã đặt ra cho Nhật Bản mục tiêu đầy tham vọng là không phát thải carbon vào năm 2050 - điều được xem là tương đồng với mục tiêu tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu của chính quyền ông Biden.
Theo Nikkei Asia, Nhật Bản đang xem xét chấm dứt sự hỗ trợ của chính phủ đối với các nhà máy điện than ở nước ngoài. Đây là một phần của sáng kiến khí hậu song phương dự kiến được công bố tại hội nghị thượng đỉnh hôm nay,
Ông Biden và ông Suga cũng dự kiến sẽ thảo luận về việc đảm bảo chuỗi cung ứng cho các công nghệ tiên tiến và giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu. Trong bối cảnh các công ty Mỹ đang phải cạnh tranh với nhiều đối thủ Trung Quốc về nguồn cung chíp từ Đài Loan, Mỹ và Nhật dự kiến sẽ xem xét việc cùng nghiên cứu và sản xuất mặt hàng này.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Thủ tướng Nhật cùng đoàn hộ tống khoảng 80 người (chỉ bằng 1/3 so với số lượng thông thường) sẽ chỉ được di chuyển giữa Nhà Trắng và khách sạn tại Washington. Tất cả đều đã được tiêm vaccine.