Trung Quốc “ve sầu thoát xác”: Kỳ I - Chiếm lĩnh thị phần quốc tế
Thông qua thương vụ M&A giữa Valdunes và MA Steel, Trung Quốc đã “tẩy trang” hàng nội địa để xuất khẩu vào Châu Âu. Ảnh:univ_lille

Trung Quốc tránh hàng rào thương mại bằng cách tăng cường mua lại các công ty nước ngoài. Thông qua đó, hàng hóa Trung Quốc dễ dàng được xuất khẩu.

Làm tổ trong lòng đối thủ

Valdunes SAS (Pháp) vốn nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng cho ngành đường sắt. Các hệ thống tàu cao tốc Nhật Bản, Đức, Mỹ đều sử dụng sản phẩm của Valdunes. Dĩ nhiên, chất lượng tỷ lệ thuận với giá bán đắt đỏ.

Kể từ mùa xuân năm 2014, mọi sự thay đổi khi Valdunes được bán lại cho tập đoàn MA Steel của Trung Quốc với giá 13 triệu USD. Nhà điều hành từ Trung Quốc quyết liệt giảm giá sản phẩm, tích cực giành thị phần, chấp nhận thua lỗ.

Đầu tiên, nhà đầu tư Trung Quốc đổi tên thương hiệu, Bank of China sẵn sàng bơm vốn lãi suất thấp để trợ giá. Số tiền tập đoàn MA Steel đầu tư vào khoảng 70 triệu USD, lớn gấp nhiều lần giá trị của Valdunes khi M&A.

Trung Quốc dùng Valdunes để “tẩy trang” hàng nội địa, né tránh nguồn gốc xuất xứ, nhắm đến thị trường Châu Âu. Bằng chứng, sau khi sở hữu công ty Pháp, xuất khẩu bánh xe tàu hỏa của Trung Quốc sang Châu Âu đã tăng gấp 4 lần.

Đặc biệt, các kỹ sư, nhà thiết kế giỏi nhất tại Valdunes được cử sang Trung Quốc để huấn luyện cho ngành đường sắt Trung Quốc- vốn thua kém xa so với Châu Âu. Như vậy, Trung Quốc hưởng lợi cả “chì lẫn chài” khi sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn, kèm theo chiến lược đầu tư có mục đích sâu xa.

Mỹ- EU ra tay

Sau khi các thương vụ M&A như Valdunes-MA Steel được thực hiện, Liên minh châu Âu (EU) đã phát hiện điều bất thường, họ cấm các thương vụ M&A trong toàn khối - từ nguồn vốn được tài trợ bởi các chính phủ nước ngoài.

EU cũng tăng cường trợ giá, giảm thuế cho doanh nghiệp nội khối để chống chọi với sự bành trướng của Trung Quốc, nhưng do không có sự đoàn kết, nên sức mạnh tài chính riêng lẻ của các quốc gia EU không thể sánh được với các ngân hàng dồi dào nguồn vốn ở Trung Quốc.

Nhiều năm nay, Mỹ và EU dựa vào Luật chống bảo hộ thương mại của WTO để ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, quy định của WTO chưa tính tới yếu tố trợ cấp mà chính phủ một nước dành cho các nhà sản xuất của họ ở nước ngoài.

Như vậy, bản thân WTO phải thay đổi luật chơi- điều tưởng chừng đương nhiên nhưng lại rất khó khăn vào lúc này vì mâu thuẫn Mỹ - Trung. Hơn nữa, việc kiện toàn chức danh Tổng giám đốc WTO bị hủy vô thời hạn vì chính quyền Mỹ không đồng ý ứng viên người Nigeria.

Chiêu thức tương tự được Trung Quốc áp dụng khá nhiều nơi, trong đó có Việt Nam. Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm thời gian qua đều rất nhạy cảm như bất động sản, năng lượng, tài nguyên, thương mại điện tử,...

Kỳ II: Hóa giải rủi ro bằng cách nào?

Trương Khắc Trà
Nguồn: enternews.vn
Link bài viết gốc