Xuất khẩu đồ gỗ đã tìm lại được tăng trưởng
Xuất khẩu đồ gỗ đang vượt qua khó khăn.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Vifores, cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2022 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,3% so với tháng 4/2021.  

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 4/2022 ước đạt 1,13 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng 4/2021.

MỸ VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU GỖ LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM

Những con số về kết quả xuất khẩu trong tháng 4 là rất đáng mừng, bởi vì cũng theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ trong tháng 3/2022 giảm 5,9% so với tháng 3/2021.

Quý 1/2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,97 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả xuất khẩu tăng trưởng cao hơn 7% trong tháng 4/2022, trong đó xuất khẩu đồ gỗ tăng 6,4% đã đưa tổng giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm tìm lại được tăng trưởng. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,14 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tính cả xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Vifores, điều đáng nói là, trong 4 tháng qua, thị trường xuất khẩu của mặt hàng gỗ rất bền vững, uy tín. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 4/2022 ước đạt 895 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ ước đạt 3,3 tỉ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Nói về những kết quả này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vifores nhận định: “Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine chưa vãn hồi, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển đường biển liên tục “leo thang”, ngành gỗ đã tìm mọi giải pháp giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp ngành gỗ đã đưa ra loạt giải pháp về chống gian lận thương mại, tái cấu trúc đi thẳng vào những sản phẩm có lực hút cao của thế giới như phòng khách, phòng bếp, phòng tắm và nhiều sản phẩm trung gian khác để nâng cao năng lực cạnh tranh của gỗ Việt nam”.

GỠ “NÚT THẮT” ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC TIÊU

Theo ông Đỗ Xuân Lập, hiện xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao như ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ...đây đều là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Trong tình hình hiện tại, mặc dù doanh nghiệp ngành gỗ còn đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu hụt lao động, giá nguyên liệu gỗ tiếp tục tăng, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải sản xuất do đơn đặt hàng đã được đặt trước đó.

"Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận đơn hàng đến hết quý 3 và thậm chí đến hết năm 2022. Với kết quả tích cực đạt được trong những tháng đầu năm 2022, dự báo xuất khẩu khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 sẽ tăng từ 5 - 8% so với cùng kỳ năm 2021".

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vifores

Những yếu tố chính thúc đẩy ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong thời gian tới như: Doanh nghiệp gỗ của Việt Nam có nhiều lợi thế so các nước xuất khẩu đồ gỗ, bởi Trung Quốc không khuyến khích phát triển đồ gỗ và chi phí tăng cao.

Trong khi Italia, Đức và các nước phát triển khác đang giảm sản xuất do ảnh hưởng suy thoái và chi phí tăng cao, do nguồn cung gỗ bị hạn chế bởi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraine.

Bên cạnh đó, việc duy trì, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và mở rộng thị trường mới có nhiều tiềm năng, thực hiện hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

Theo Vifores, thời điểm này, đại dịch Covid-19 đã dần được “thanh toán” tại hầu hết các nước, các công sở, văn phòng đã mở cửa hoạt động trở lại. Vì vậy, mặt hàng có nhu cầu được mua nhiều trong những tháng tới là đồ nội thất văn phòng.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực sản xuất chính, chiếm 52% thị phần sản xuất đồ nội thất văn phòng thế giới, tiếp theo là Bắc Mỹ chiếm 24%, châu Âu đứng thứ ba chiếm 19% tổng sản lượng trên toàn thế giới.

Sau khi giảm 10% trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đến năm 2021, sản xuất đồ nội thất văn phòng toàn cầu đạt 52 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020.

Phân khúc đồ nội thất văn phòng có triển vọng rất khả quan, tuy nhiên sản xuất đồ nội thất văn phòng của Việt Nam chưa chú trọng vào phân khúc này. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp trên thị trường thế giới. Do đó, thời điểm này sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này khai thác và đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cũng vừa có Công văn số 184/KL-ĐT trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về việc đề nghị hướng dẫn về thủ tục phân loại doanh nghiệp theo Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, các quy định về quản lý gỗ xuất khẩu và hồ sơ xuất khẩu gỗ tại Nghị định số 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đến nay vẫn chưa có hiệu lực thi hành.

Vì vậy, hiện nay hồ sơ gỗ xuất khẩu vẫn sẽ thực hiện theo quy định cũ tại Điều 26 Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, mà chưa phụ thuộc vào kết quả phân loại doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chu Khôi
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc