3 năm thực thi CPTPP, vị thế Việt Nam ngày càng được khẳng định
Với những thành tích ban đầu về xuất nhập khẩu, sau 3 năm thực thi, Hiệp định CPTPP đã đưa Việt Nam lên một vị thế mới ở trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thông tin này được ông ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết tại “Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP với chủ đề Tận dụng ưu thế của người đi đầu” hôm 26/12.
Thời gian gần đây, một số nền kinh tế đã bày tỏ sự quan tâm tới việc gia nhập Hiệp định CPTPP. Sau Vương quốc Anh, đến lượt Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc Ecuador và Costa Rica... cũng xin gia nhập CPTPP, cho thấy rõ hơn vị thế của CPTPP, đặc biệt là với kết quả thực thi trong 3 năm đầu của các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam.
"Tôi làm hội nhập từ năm 1996, và lần đầu tiên có vinh dự được ngồi ở vị trí Ban giám khảo để xét đơn gia nhập của các đối tác như Vương quốc Anh. Rõ ràng vị thế của CPTPP là không thể phủ nhận", ông Thái nói.
CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ đầu 2019. Cùng với loat FTA khác, CPTPP là cú hích cho các ngành hàng, doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong mở cửa thị trường, gia tăng xuất khẩu.
Theo thống kê, sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020.
10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ, nhập khẩu 43 tỷ USD, tăng 16,26% so với cùng kỳ, xuất siêu hơn 4 tỷ USD.
Theo ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng Phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Hiệp định CPTPP thực thi đã mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu vào khu vực thị trường mới chưa từng có FTA tại khu vực châu Mỹ.
Năm 2021, xuất khẩu sang 4 nước CPTPP khu vực châu Mỹ đạt hơn 12 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu tới 10,4 tỷ USD, nhập khẩu 1,5 - 1,6 tỷ USD, xuất siêu rất lớn. Trong đó, xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2020 và tăng 75% so với thời điểm trước khi có CPTPP. Hay như Mexico, xuất khẩu sang thị trường này đạt 4,6 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2020 và tăng 104% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.
Xuất khẩu sang Peru, mặc dù mới phê chuẩn Hiệp định vào năm 2021 cũng đạt 560 triệu USD, tăng trưởng 85% so với năm 2020. Chile, tuy chưa phê chuẩn Hiệp định, cũng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 63% so với năm 2020.
Rõ ràng, Việt Nam với lợi thế là quốc gia có mặt trong CPTPP từ ban đầu, được ưu đãi hơn nhiều quốc gia ngoại khối đã có những lợi thế nhất định cần tận dụng để khai thác triệt để hơn, đặc biệt với khu vực các thị trường lần đầu có FTA, như Canada, Mexico..
"Những thị trường mới ở trong khu vực CPTPP là có nhiều tiềm năng và dư địa cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Ví dụ Canada, mỗi năm nhập khẩu 500 tỷ USD hàng hóa, thuộc nhóm 15 nước có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất thế giới. Hay Mexico hàng năm cũng nhập tới 400 tỷ USD. Với ưu đãi thuế quan giảm dần theo lộ trình trong CPTPP, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh với các nhà xuất khẩu ngoại khối tại 2 thị trường này", ông Hoàn nêu.
Xét một cách toàn diện thì CPTPP đã đem lại một lợi thế thuế quan 10-20% cho hàng hóa của Việt Nam đối với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong khu vực. Con số 12% là con số rất lớn và nó đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh rất rõ rệt cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, với hàng dệt may, Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu xuống còn 0% ngay trong vòng ba năm kể từ khi bắt đầu thực thi hiệp định, đến thời điểm hiện tại thì thuế đã về 0% với toàn bộ các sản phẩm dệt may Việt Nam nếu đáp ứng được các loại, quy tắc xuất xứ sang Canada. Tương tự, thuế với các mặt hàng thủy sản sang Canada cũng đã về 0%.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) thông tin, sau hơn 3 năm thực thi CPTPP, hiện 10 nước thành CPTPP đang chiếm đến 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Năm 2021, tỷ trong này là 25%, cho thấy độ phủ sóng của thủy sản Việt tại khu vực thị trường này càng rõ hơn. Trong đó, Nhật, Úc, Canada là ba thị trường đang chiếm khoảng 85% thị phần mà khối CPTPP mà nhập của Việt Nam.
Trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều thay đổi, những lợi thế người đi đầu của Việt Nam không còn kéo dài, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần nhanh chân hơn nữa để khai thác CPTPP, tăng tận dụng ưu đãi thuế quan theo các cam kết trong hiệp định này.
"CPTPP là hiệp định lần đầu tiên chúng ta tổ chức thực thi một cách bài bản. Giai đoạn ba năm là giai đoạn chạy đà và là giai đoạn Việt Nam có được ưu đãi hơn các nước khác và lợi thế này sẽ dần giảm đi, nên cần phải tận dụng tối đa thời cơ để khai thác các lợi thế này", ông Thái lưu ý.