Doanh nghiệp khó khăn kéo dài, người lao động chịu tác động nặng nề
TP. HCM, Đồng Nai là thành phố có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất. Nguồn: Ban IV

Xu hướng lao động bị mất việc tăng 

Người lao động là đối tượng trực tiếp và đầu tiên chịu tác động nặng nề từ những khó khăn của doanh nghiệp.  

Kết quả khảo sát tình hình người lao động và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện với 8.343 người lao động, có 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm.

Tỷ lệ này đã giảm so với trong bối cảnh Covid-19 (62% tại thời điểm tháng 8/2021 và 53% tại thời điểm tháng 10/2021), nhưng vẫn còn khá cao.

Xét theo ngành kinh tế chính, các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%.

Tính theo địa phương thì TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng là những tỉnh/thành phố có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.

Về nguyên nhân không có việc làm của người lao động, Ban IV cho biết, có 32,4% người lao động không có việc cho biết rằng, họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh.

27,1% người lao động không có việc làm đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí do không có đơn hàng.

Xu hướng số lượng người lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp tăng lên tính từ quý IV/2022 sang quý I/2023

“Dự báo còn tiếp diễn trong các quý còn lại của năm 2023, khi theo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp mới đây của Ban IV, trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2023, có đến 71.3% doanh nghiệp dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên”, báo cáo Ban IV do ông Trương Gia Bình, Phó chủ tịch Hội đồng tư vẫn cải cách thủ tục hành chính, Trưởng Ban IV kỳ gửi.

Trong báo cáo, Ban IV đã đề xuất một số giải pháp, tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải trợ lực cho doanh nghiệp để doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, để gia tăng việc làm cho người lao động trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay.

Để trợ lực cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ gián tiếp cho người lao động,  Ban IV tiếp tục đề xuất các giải pháp gồm kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng; giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới;

Tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng và các chính sách về giãn, hoãn, khoanh nợ đồng thời cân nhắc các khoản vay ưu đãi như cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động hoặc để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, giữ chân người lao động…;

Giải pháp không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và người lao động cũng được đề xuất.

Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, Ban IV đề nghị cho phép doanh nghiệp, người lao động không phải thu, nộp kinh phí công đoàn cho cơ quan công đoàn cấp trên tới ít nhất là hết năm 2024 và giãn, hoãn các khoản thuế, phí khác để doanh nghiệp và người lao động dồn nguồn lực này cho người lao động trang trải trực tiếp các nhu cầu cuộc sống, nhằm giảm áp lực/kỳ vọng vào khoản tiền rút từ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, liên quan đến căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội, kết hợp với xác lập các biện pháp quản lý hiệu quả khác nhằm đảm bảo các mục tiêu toàn diện của chính sách đồng thời giảm áp lực về chi phí đóng cho cả người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh đối diện rất nhiều thách thức, khó khăn.

Doanh nghiệp khó khăn là lý do lớn nhất khiến người lao động khó tìm việc.  Nguồn: Ban IV

Điều kiện mua nhà ở xã hội quá khó

Đặc biệt, Ban IV dành riêng một phần đề xuất các giải pháp để người lao động có thể có cơ hội mua nhà ở xã hội. Theo khảo sát, tính chung cho cả nước, 57% người lao động tham gia khảo sát muốn mua nhà, trong đó tỷ lệ người lao động muốn mua nhà ở xã hội và mua nhà không thuộc diện “nhà ở xã hội” gần như tương đương nhau, tương ứng là 28% so với 29%.

Nhu cầu về “nhà ở xã hội” theo đó, cao gấp hơn 1,5 lần so với tỷ lệ người lao động hiện đang ở nhà ở xã hội (18%). Điều này cho thấy chủ trương phát triển 1 triệu nhà ở xã hội mà Chính phủ đang chỉ đạo trọng tâm là chủ trương được xã hội nói chung và người lao động hết sức đón nhận.

Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn khi mua nhà ở xã hội và “điều kiện để được mua nhà ở xã hội” hiện là rào cản lớn nhất với 39% người lao động tham gia khảo sát có cùng nhận định này. Ba khó khăn lớn khác ở góc nhìn của người lao động là: Thiếu tài chính sẵn có cho khoản đóng góp ban đầu (33%); Khó cạnh tranh suất mua (32%); Hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp (27%).

"Đề nghị điều chỉnh tên chương trình/đề án “"Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" thành “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở cho người lao động thuộc diện thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” đi đôi với việc giảm mạnh lãi suất cho vay và áp dụng cho tất cả đối tượng người lao động mua nhà ở trong chương trình. 

Thay vì như hiện nay, chỉ có người thuộc diện “đối tượng chính sách xã hội” mới được tiếp cận vay với lãi suất thấp tại các ngân hàng chính sách xã hội, còn đối tượng công nhân khu công nghiệp muốn mua nhà ở xã hội hầu hết phải vay với lãi suất thông thường của ngân hàng thương mại và đây là bài toán rất thách thức với số đông người lao động vì số tiền trả lãi, trả gốc hàng tháng thậm chí vượt quá 50% thu nhập của công nhân.

Cùng với đó, Ban IV đề nghị xem xét cải thiện quy trình, hồ sơ, điều kiện cho vay mua nhà ở xã hội (nhà ở cho người lao động) vì đây là những rào cản rất lớn đang được phản ánh thông qua cuộc khảo sát.

Đặc biệt, Ban IV cho rằng, vai trò của doanh nghiệp có thể phát huy nhiều hơn trong câu chuyện mua nhà ở xã hội của người lao động, không chỉ xác nhận thu nhập mà còn có thể thay mặt người lao động trả khoản tiền gốc và lãi hàng tháng tương tự cách doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hiện nay.

Một số doanh nghiệp còn muốn được áp dụng cơ chế “hỗ trợ một phần tiền” để thực hành chính sách chăm lo đời sống cán bộ nhân viên, giữ chân người lao động, cộng hợp với nỗ lực của Chính phủ trong Đề án quan trọng này.

Liên quan đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, có 14% người lao động tham gia khảo sát đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Trong số này, 61% cho biết nguyên nhân là do không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc
14% lại là vì lý do lo lắng vào sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội.
Khi được hỏi về khả năng đóng lại bảo hiểm xã hội, 48% số lao động từng rút bảo hiểm xã hội cho biết không muốn đóng lại.
 
Khánh Linh
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc