Cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Trong bối cảnh các điều kiện vĩ mô đã và đang khác nhiều so với thời điểm đầu năm, nên rất cần sự phối hợp đồng bộ trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Áp lực lạm phát đang tăng, ngoài các yếu tố khách quan và yếu tố thị trường, theo ông, cần các giải pháp gì để kiềm chế lạm phát?
Về những thách thức trong 6 tháng còn lại của năm 2022, lạm phát được đánh giá là yếu tố có tác động lớn đến việc thực hiện và đạt được các mục tiêu đề ra của năm. Vì vậy, việc đề ra và triển khai các giải pháp phù hợp, đồng bộ, đảm bảo kìm giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô - làm nền tảng cho tăng trưởng và phát triển, thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2022 có vai trò hết sức quan trọng.
Ở góc độ quản lý, cần quyết liệt trong tổ chức và thực hiện các nhóm giải pháp. Trong đó, tiếp tục cải cách hành chính, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, rút ngắn thời gian giao dịch, xử lý hồ sơ. Đây sẽ là hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhờ việc giảm chi phí, thời gian đi lại, tạo cơ hội, cũng như môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Liên quan đến hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong các hoạt động tư vấn, giải quyết hồ sơ, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp trong giao dịch vốn, dịch vụ với ngân hàng.
Ngân hàng cần làm gì để thực hiện tốt các giải pháp tài chính, tiền tệ hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng, thưa ông?
Việc nhận diện thách thức, từ đó có hành động quyết liệt, đồng bộ và phối hợp không chỉ từ cơ quan quản lý, mà chính từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trong việc kiểm soát tốt chi phí, nâng cao năng suất lao động và sử dụng vốn hiệu quả. Ngoài những chi phí có xu hướng tăng do yếu tố thị trường, yếu tố khách quan, thì những chi phí có thể kiểm soát và chủ động tiết giảm (như chi phí quản lý, thuế, lãi suất, chi phí gián tiếp…) cũng cần được quan tâm và phối hợp đồng bộ để kiểm soát, giữ ổn định và tiết giảm.
Hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và NHNN đã và đang thực hiện các giải pháp trên để hỗ trợ doanh nghiệp (giảm thuế, giảm giá xăng dầu, hỗ trợ lãi suất…). Trong quá trình này, cần tổ chức thực hiện tốt chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, với các giải pháp về tài chính, tiền tệ, đưa các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ lãi suất phát huy hiệu quả trên thực tế, qua đó góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, giữ ổn định giá thành, giá bán sản phẩm, góp phần kìm giữ lạm phát hiệu quả.
Chương trình bình ổn tiếp tục phát huy hiệu quả trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng. Các ngân hàng có chính sách gì hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình này?
Phát huy vai trò chương trình bình ổn thị trường, giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, lương thực - thực phẩm và hàng tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng không chỉ đảm bảo ổn định và kìm giữ lạm phát, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tác động tốt tới người lao động, người nghèo và người có thu nhập thấp.
Ở góc độ ngân hàng, các ngân hàng thương mại tham gia chương trình bình ổn (cho vay các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hàng hóa bình ổn thị trường) cần tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp bằng hành động cụ thể là giữ nguyên lãi suất hoặc xem xét giảm lãi suất, đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ, nhu cầu thanh toán của các doanh nghiệp này. Đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN.
Đặc biệt, quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% và các hoạt động ngân hàng, tư vấn chính sách kịp thời và đầy đủ cho khách hàng, công bố thông tin công khai và minh bạch theo đúng quy định để khách hàng nắm bắt và tiếp cận được chính sách. Thực hiện tốt chương trình này sẽ góp phần ổn định chi phí cho doanh nghiệp, ổn định giá cả.
Tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng nhanh trong nửa đầu năm nay. Thưa ông, vốn đang chảy mạnh vào lĩnh vực nào?
Trong 6 tháng đầu năm 2022, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng 9,3% so với cuối năm 2021. Yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế thành phố, của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực hoạt động sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tín dụng tiếp tục tập trung cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Trong đó, lĩnh vực thương mại - dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất (tăng 4,83%), phản ánh đúng xu hướng phục hồi và khả năng phục hồi cũng như những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ dịch bệnh. Các ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, cho hoạt động sản xuất - kinh doanh để phục hồi và tăng trưởng.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp và thực hiện tốt nhiệm vụ chương trình phục hồi kinh tế thành phố, ngành ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp để doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng. Đến nay, dư nợ hỗ trợ doanh nghiệp theo cơ chế Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN đạt 563.000 tỷ đồng cho gần 1,3 triệu khách hàng.
Ngân hàng cũng cho vay ngắn hạn VND với lãi suất thấp đối với 5 nhóm ngành (doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt 202.000 tỷ đồng cho hơn 35.000 khách hàng. Đây là chương trình mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, bởi lãi suất cho vay thấp và hiệu quả tín dụng mang lại rất cao cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Trong đó, riêng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay đã giải ngân cho vay gần 100.000 tỷ đồng, tiếp tục tạo thuận lợi về vốn, cũng như về lãi suất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các hợp tác xã.