Doanh nghiệp điểm danh thách thức năm 2023
Tình trạng thiếu đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp phải sa thải lao động, kể cả lao động có tay nghề

Thách thức từ thị trường

Cuối tuần trước, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố những thông tin đầu tiên về kết quả khảo sát thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2022. Số doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam tham gia trả lời khảo sát là 603 trong tổng số 1.816 doanh nghiệp khảo sát, trong đó 309 doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo.

Kết quả khảo sát khá gần với những dự báo, khi tình hình kinh doanh khá khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi tại Việt Nam so với ASEAN cũng như toàn khu vực châu Á, châu Đại Dương tương đối thấp. Cụ thể, gần 60% doanh nghiệp dự báo có lãi (tăng 5,2 điểm so với năm trước), doanh nghiệp bị lỗ là 20,8% (giảm 7,8 điểm).

Chúng tôi cũng kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành tham khảo cách tiếp cận tiên tiến về quản lý nhà nước tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm; không khôi phục các thủ tục, giấy phép, điều kiện đã bãi bỏ, đơn giản hóa; thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng quản lý dựa trên mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; thực hiện hậu kiểm…

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia (CIEM)

Tuy vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023 cao hơn đáng kể so với các doanh nghiệp Nhật Bản trong khu vực. Số doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam trả lời “cải thiện” là 53,6%, ở Malaysia là 47,4%; Thái  Lan là 39,8%, Phlippines là 47,2%...

Đặc biệt, tại Việt Nam, số doanh nghiệp trả lời sẽ “mở rộng” hoạt động kinh doanh trong 1-2 năm tới là 60,0% (tăng 4,7 điểm so với năm trước). Tỷ lệ này đứng đầu ASEAN và chỉ sau Ấn Độ, Bangladesh nếu xét theo quốc gia/khu vực mà doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động.

Lý do “cải thiện” ở cả ngành chế tạo và phi chế tạo đều là do phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, có gần 7% doanh nghiệp lo ngại suy giảm, với các nguyên nhân hàng đầu là chi phí mua nguyên vật liệu, logistics, phí nhân công tăng, ảnh hưởng của biến động tỷ giá… Đây cũng là những nguyên nhân đứng đầu cho khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành, lĩnh vực liệt kê khi chuẩn bị kế hoạch sản xuất - kinh doanh 2023.

Trong kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã gọi đây là những tác động gây kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh thủy sản từ cuối năm 2022 và cả năm 2023. Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản còn liệt kê thêm khó khăn trong tiếp cận tín dụng, chi phí tuân thủ xử lý môi trường...

“Hậu quả từ Covid-19 chưa hồi phục hoàn toàn, nay thêm hậu quả từ cuộc chiến Nga - Ukraine, những đứt gãy chuỗi cung ứng, sự cạnh tranh quốc tế gay gắt, dòng tiền các doanh nghiệp bị đình trệ, khó hoàn tất kịp trách nhiệm với nơi cung ứng vốn, khó chồng thêm khó”, TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX Việt Nam tâm tư.

Gánh nặng từ thủ tục hành chính

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) thực sự đồng cảm với những khó khăn của doanh nghiệp. “Chúng tôi vừa đi khảo sát tình hình doanh nghiệp, thấy rõ tình trạng thiếu đơn hàng đang rất căng thẳng. Nhiều doanh nghiệp đã rất cố gắng giãn giờ làm để giữ lao động, nhưng đã phải sa thải lao động, kể cả lao động có tay nghề”, bà Thảo nói.

Trong lúc này, nhiều khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt lại đến từ chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước… Có thể kể tới tình trạng chậm hoàn vốn là bất cập dai dẳng và gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp, tình trạng thanh, kiểm tra có xu hướng mở rộng và với tần suất liên tục…

“Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, họ đang phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra, từ các cơ quan quản lý chuyên ngành đến cả địa phương. Có doanh nghiệp hoạt động cả chục năm, giờ bị yêu cầu dừng hoạt động do vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Thực tế này gây tâm lý nặng nề cho doanh nghiệp, làm trầm trọng hơn khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Thảo cho biết.

Vấn đề là, do không có phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy, chữa cháy với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; không áp dụng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo mức độ rủi ro, nên doanh nghiệp dù lớn, dù nhỏ, phải đầu tư như nhau, khiến chi phí tuân thủ bị đẩy lên đáng kể.

“Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy, chữa cháy; tháo gỡ ngay các bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động”, bà Thảo cho biết.

Đây cũng là một trong những nội dung mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào Dự thảo Nghị quyết về các giải pháp những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 đang được hoàn thiện, trình Chính phủ.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều đề xuất rất cụ thể, như nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; sửa đổi danh mục mặt hàng thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng cắt giảm các mặt hàng có mức độ rủi ro rất thấp hoặc gần như không có rủi ro; bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành…

Các giải pháp đó nếu được thực hiện, theo bà Thảo, sẽ đỡ nặng gánh cho doanh nghiệp trong hoạt động năm 2023.

Khánh An
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc