Doanh nghiệp nhỏ “rẽ trái” để thoát Covid
Với đợt dịch thứ 4 này, doanh nghiệp cần thực hiện 5 chữ R để vượt qua những khó khăn do Covid-19.

Là doanh nghiệp siêu nhỏ, với gần 30 lao động, Eco Garment Việt Nam chuyên sản xuất và cung ứng sản phẩm tất chân, đồ lót nữ cho các thương hiệu thời trang có chuỗi cửa hàng trong nước. Covid-19 ập đến khiến cả năm 2020 doanh nghiệp chật vật.

Bà Lê Hà Minh, Giám đốc Công ty TNHH Eco Garment Việt Nam cho biết, mức tiêu dùng trong nước giảm rất nhiều, vì thế doanh thu thực tế của công ty đã giảm khoảng 50 - 60% so với những năm trước đó. 

CHUYỂN HƯỚNG KINH DOANH, ĐA DẠNG HOÁ THỊ TRƯỜNG

Nhiều hãng thời trang năm qua phải thu hẹp cửa hàng, chuyển sang bán hàng online, nhưng đây là giải pháp chưa thực sự hiệu quả nên cũng không thể cứu vãn được doanh thu trong năm qua cho các doanh nghiệp thời trang.

Trong khi, doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động và nguồn nhân lực. Thêm nữa, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu bị đứt gãy, khiến doanh nghiệp thiếu nguyên liệu để sản xuất, giá thành nguyên phụ liệu lại tăng rất cao…

Để tồn tại, doanh nghiệp cần có nguồn vốn. Song để tiếp cận được vốn vay, những điều kiện vay vốn từ ngân hàng lại là trở ngại, như yêu cầu cần có tài sản thế chấp, hoạt động của doanh nghiệp tốt trong những năm qua… 

Khó khăn bộn bề, khiến doanh nghiệp đã phải xoay xở rất nhiều. “Cuối cùng, giải pháp với doanh nghiệp là chuyển hướng kinh doanh mới, đa dạng hoá thị trường”, bà Minh chia sẻ. 

Bên cạnh thị trường trong nước là truyền thống, Eco Garment đã tìm đường xuất khẩu. Hiện tại doanh nghiệp đã ký được hợp đồng với khách hàng Canada, New Zealand. 

Và doanh nghiệp đã nhận ra, trong khó khăn vẫn còn rất nhiều con đường để doanh nghiệp đi nếu nỗ lực, tìm tòi. “Thực tế thị trường quốc tế bị ảnh hưởng nhiều nhưng nhu cầu vẫn còn. Nếu chúng ta tìm, chúng ta sẽ có đường đi. Đây là cách đi của Eco Garment. Thị trường nước ngoài lại là cứu cánh cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này”, bà Minh nhấn mạnh.

Chính vì vậy, với đợt dịch thứ 3, 4 này, khi đã có kinh nghiệm và sự chuẩn bị, cũng như chính phủ đã có những chính sách hợp lý, nên doanh nghiệp đã tạo được khả năng chịu đựng trước những thách thức. Doanh nghiệp đã sẵn sàng, đương đầu cho những thay đổi của những đợt dịch tới (nếu xảy ra). 

“Không phải chúng tôi bó tay ngồi chờ đại dịch trôi qua, mà chắc chắn phải xoay xở vì nó liên quan tới đời sống của người lao động, sự tồn tại của doanh nghiệp, doanh thu… là điều kiện sống còn của doanh nghiệp. Chúng tôi phải thử nhiều cách khác nhau để tồn tại và phát triển”, bà Minh nói.

Bên cạnh việc tìm kiếm thị trường mới, Eco Garment cũng nghiên cứu cho ra những sản phẩm thực sự hợp lý trong khoảng thời gian này. 

DOANH  NGHIỆP  NHỎ  MÀ  CÓ VÕ

Một lợi thế với doanh nghiệp nhỏ nữa trong đại dịch, theo bà Minh, “nhỏ mà có võ”. Doanh nghiệp nhỏ có thể phát huy lợi thế cạnh tranh riêng như khả năng chuyển đổi linh hoạt hơn, gánh nặng chi phí và tài chính chắc chắn thấp hơn doanh nghiệp lớn.

Bà Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng ban tài chính kế toán, Công ty cổ phần Sách Alpha (Alpha Books), cho biết, không doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào nằm ngoài tác động của Covid-19. AlphaBooks cũng không ngoại lệ. Trong năm 2020, doanh nghiệp dù không chịu nhiều tác động từ Covid như các ngành du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn… tuy nhiên cũng vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch vụ bán hàng và dòng tiền. Kết quả kinh doanh cả năm có thể không thay đổi nhưng có những tháng đơn vị này chịu biến động mạnh bởi sự lên xuống của thị trường.Trước những biến động này, ban lãnh đạo công ty đã đưa ra nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Cụ thể, hướng vào các kênh doanh mới như bán hàng online thông qua nhà sách trực tuyến (shop.alphabooks.vn), hay trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… 

Đặc biệt, Alpha Books hướng tới những dòng sản phẩm phù hợp với thời đại như sách dành cho khởi nghiệp, tài chính (đồng tiền mã hoá), internet vạn vật trong doanh nghiệp… phù hợp với xu hướng phát triển số, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, bù đắp cho kênh truyền thống. Vì thế doanh thu của AlphaBooks không giảm so với trước khi dịch bệnh xảy ra, tiền lương của nhân viên không giảm.

“Đợt dịch Covid lần 4 bùng phát, doanh nghiệp cũng lo lắng, nhưng do có kinh nghiệm từ các đợt dịch năm 2020 nên cán bộ nhân viên Alpha Books đều bình tĩnh, đồng lòng hơn, vạch ra bài toán sẵn sàng đối mặt nhưng không chủ quan”, bà Châu cho biết.

Khác với 2 ngành nghề trên, gạo lại là sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn trong đại dịch. Doanh thu năm 2020 của Công ty cổ phần kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh tăng 20 - 30% so với năm 2019, nhưng lợi nhuận không tăng. Bởi theo bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc, khi lần đầu đối mặt với Covid, người tiêu dùng rất hoang mang, nên họ mua tích trữ nhiều, nhưng doanh nghiệp lại cam kết giữ bình ổn giá. Tuy nhiên chính lúc này, Covid là bài toán vô cùng thách thức với doanh nghiệp hiện nay. Doanh nghiệp gặp khó khăn về logistics do diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều địa phương giãn cách, xe khó khăn vận chuyển hàng, nên việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước vất vả hơn.

Cùng với đó, người lao động không thể sản xuất tập trung một nơi như trước kia khi thực hiện giãn cách theo quy định. Trước kia, người lao động của Bảo Minh chỉ sản xuất tập trung ở một nơi, nay giãn cách ra 5 điểm sản xuất và chỉ làm việc online. Trong khi đơn hàng nhiều lên, nhưng giá yêu cầu phải bình ổn. “Điều này không hề đơn giản với doanh nghiệp. Vừa xử lý tình huống đại dịch, vừa đảm bảo sản xuất, giữ uy tín với khách hàng, thương hiệu cũng như đời sống cho cán bộ nhân viên…”, bà Hiếu cho biết.

Để giải bài toán phức tạp này, Bảo Minh đã xây dựng Chương trình kho dự trữ, luân chuyển kênh bán hàng từ hạn chế xuất khẩu sang đáp ứng nhu cầu trong nước. Gạo Bảo Minh đã có mặt các hệ thống bán hàng trên 45 tỉnh thành trong cả nước. Và đưa Chương trình bình ổn giá đến các trung tâm bán hàng, các kênh online… giúp người tiêu dùng trong thời điểm này được hưởng mức giá tốt nhất.

BẢO BỐI 5 CHỮ R GIÚP CHỐNG CHỌI DẠI DỊCH

Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): doanh nghiệp Việt Nam đã chống chọi tương đối tốt trong 3 đợt dịch qua. Song với đợt dịch thứ 4 này, doanh nghiệp cần thực hiện 5 chữ R để vượt qua đại dịch. 

Respond (ứng phó với đại dịch)- phải sống và làm việc trong trạng thái bình thường mới và phục hồi càng nhanh càng tốt.

Restructure (tái cơ cấu) cơ cấu lại, tái cấu trúc đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn.

Re-invent (đổi mới, sáng tạo trong chiến lược kinh doanh), bởi trong mô hình hiện nay vẫn có những lĩnh vực mới, ngành nghề mới có cơ hội phát sinh. Thời gian qua có nhiều lĩnh vực, ngành nghề hoạt động tốt gắn với thương mại điện tử, gắn với chuyển đổi số, công nghệ thông tin và viễn thông, gắn với những hình thức mua bán trực tuyến.

Recover (phục hồi), cần chủ động kết nối với các đối tác và doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước.

Và Resilience (tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài). Doanh nghiệp cần tranh thủ lúc này để tăng khả năng kháng cự cũng như sức chống chịu của doanh nghiệp về lâu dài. Ví dụ như củng cố đội ngũ nguồn nhân lực, củng cố các chu trình sản xuất kinh doanh, cấu trúc lại mô hình sản xuất hợp lý hơn, cải tiến quy trình. Đặc biệt, doanh nghiệp cần lưu ý tăng dự phòng để chống chọi với các cú sốc trong tương lai tốt hơn.

Hương Loan
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc