Doanh nghiệp trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế

Theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ban hành theo Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022, số lượng doanh nghiệp của nước ta đến hết năm 2025 sẽ đạt 1,5 triệu, trong đó, đa phần là doanh nghiệp nhỏ, vì số doanh nghiệp quy mô vừa và lớn chỉ từ 60.000 đến 70.000 (4 - 4,6%)

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 rõ ràng đã mở ra một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế của đất nước phát triển. Hơn nữa, theo kế hoạch này, tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP sẽ chiếm 55%. Vậy là doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích phát triển. 

Doanh nghiệp được coi là “quả tim” của nền kinh tế. Doanh nghiệp có hoạt động thì nền kinh tế mới sống. “Mạch đập” của nền kinh tế mạnh hay yếu là hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Chủ trương phát triển số lượng doanh nghiệp như trên là đúng hướng. Trong 5 năm đầu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), nếu không tạo dựng được số lượng doanh nghiệp lớn như thế, thì không thể đạt được mục tiêu đưa Việt Nam thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thông qua.

Hơn nữa, chỉ khi đạt được một số lượng doanh nghiệp hùng hậu như thế, lại hoạt động hiệu quả, cùng với các chỉ tiêu phát triển kinh tế khác theo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, chúng ta mới có điều kiện thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Tuy nhiên, không dễ để nâng số doanh nghiệp lên gần gấp đôi trong vòng 5 năm, kể từ năm 2021.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2020, Việt Nam có khoảng 810.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Để đạt mục tiêu đến hết năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, thì trong 5 năm, tính từ năm 2021, phải có thêm gần 700.000 doanh nghiệp, nghĩa là bình quân mỗi năm phải có thêm khoảng 140.000 doanh nghiệp mới tham gia thị trường, với giả định không có doanh nghiệp rời thị trường.

Doanh nghiệp trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế - Ảnh 1

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, năm nào cũng có, ít thì vài chục nghìn, nhiều thì tới cả trăm nghìn doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn năm 2021, nền kinh tế nước ta bị dịch Covid-19 làm thiệt hại nặng nhất, có tới 119.800 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nếu lấy con số 160.000  doanh nghiệp gia nhập hoặc tái gia nhập thị trường trừ đi số doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường, thì năm 2021, trên thực tế, chỉ có thêm 40.200 doanh nghiệp.

Để bù vào số doanh nghiệp rút khỏi thị trường, với giả định khoảng 100.000 mỗi năm, thì về mặt lý thuyết, mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2025 phải có khoảng 240.000 doanh nghiệp gia nhập hoặc tái gia nhập thị trường, mới có thể đạt mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp, khi kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm này.

Doanh nghiệp trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế - Ảnh 2

Năm 2021 đã qua và thực tế chỉ có thêm 40.200 doanh nghiệp. Như vậy, trong 4 năm còn lại, kể từ năm 2022, phải có thêm ít nhất khoảng 650.000 doanh nghiệp gia nhập hoặc tái gia nhập thị trường, sau khi đã trừ đi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2025, rõ ràng là rất khó đạt, nếu không nói là nằm ngoài “tầm với” của nền kinh tế!

Vấn đề đặt ra là “làm gì” và “làm như thế nào” để đạt mục tiêu có thể nói là “tham vọng” này ?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những cơ quan tham gia xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, lại được Chính phủ phân công chủ trì theo dõi, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp tính đến hết năm 2025, chắc chắn đã có đáp án đủ sức thuyết phục cho những câu hỏi như vậy.

Theo giới quản trị doanh nghiệp, trong số những yếu tố ngoài doanh nghiệp có tác động đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, môi trường sản xuất, kinh doanh giữ vai trò quan trọng nhất.

Trong môi trường sản xuất, kinh doanh thì hành lang pháp lý, tức hoạt động quản lý nhà nước (bao gồm  xây dựng pháp luật và chủ trương, chính sách; tổ chức thi hành và kiểm tra việc thi hành pháp luật và chủ trương, chính sách; và kiểm soát hoạt động của đối tượng quản lý theo quy định của pháp luật) giữ vai trò chi phối, mà các thủ tục hành chính, trong nhiều trường hợp, là “rào cản” đối với các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế - Ảnh 3

Mong mỏi số một của các doanh nghiệp trên con đường phát triển là có được một môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

Kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi chính là một trong các giải pháp quan trọng giúp đạt mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp tham gia thị trường, theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Nguyễn Quốc Uy
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc