Giá cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 56%
Theo dữ liệu cập nhật của thị trường Hoa Kỳ, giá cá tra đông lạnh bán lẻ tại tại Mỹ hiện đã tăng trên 60% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh 95% khối lượng cá tra đang bán tại thị trường này có xuất xứ từ Việt Nam…
Dẫn số liệu thống kê Hải quan Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết 8 tháng năm 2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ chiếm 23% với hơn 421 triệu USD, tăng 87% so với 8 tháng của năm 2021.
GIÁ CÁ TRA XUẤT KHẨU SANG MỸ ĐẠT KỶ LỤC 5 USD/KG
Theo VASEP, riêng trong tháng 8/2022, xuất khẩu cá tra của nước ta sang Hoa Kỳ đạt 33 triệu USD, tăng 45% so với tháng 8/2021. Doanh số cá tra sang Hoa Kỳ trong tháng 8/2022 chỉ cao hơn một chút so với mức gần 32 triệu USD trong tháng 7/2022. Tuy nhiên, giá trung bình cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong tháng 8/2022 đạt mức cao 5 USD/kg – đây là mức giá kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.
Trong 8 tháng năm 2022, sản phẩm cá tra phile đông lạnh chiếm 87% giá trị xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ. Ước tính Việt Nam xuất khẩu khoảng 94 nghìn tấn cá tra phile đông lạnh sang Hoa Kỳ trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, sau khi đạt mức cao từ tháng 3 đến tháng 5 với khối lượng khoảng 13,5 – 16 nghìn tấn/tháng, xuất khẩu cá tra sang thị trường này bắt đầu chững lại từ tháng 6, giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 7 và hồi phục nhẹ trong tháng 8/2022.
"Nhập khẩu cá tra của Hoa Kỳ sẽ tăng lên trong những tháng tới, khi mà lạm phát giá thực phẩm nói chung, thuỷ sản nói riêng làm cho thị trường Hoa Kỳ chao đảo hơn, đồng thời cũng bước vào chu kỳ tăng nhu cầu cho dịp Giáng sinh và năm mới sắp tới". Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại của VASEP (VASEP.PRO) |
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong 7 tháng năm 2022, Hoa Kỳ nhập khẩu tổng cộng 95,4 nghìn tấn cá tra đông lạnh, trị giá gần 403 triệu USD, tăng 35% về khối lượng và 106% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó nhập khẩu cá tra đông lạnh từ Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt 88,2 nghìn tấn, trị giá 371 triệu USD, tăng lần lượt 34% và 109% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam chiếm trên 92% khối lượng và giá trị cá tra mà Hoa Kỳ nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng nhập khẩu nhập khẩu cá tra từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Brazil. Trong đó, Trung Quốc chiếm khoảng 5%, các nước còn lại chiếm khoảng 3%.
Giá trung bình nhập khẩu cá tra đông lạnh vào Hoa Kỳ trong 7 tháng đầu năm nay đạt 4,22 USD/kg, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng giá nhập khẩu cá tra đông lạnh Việt Nam tăng 56% đạt 4,21 USD/kg.
Sản phẩm phile (mã HS 030462) chiếm 96% nhập cá tra đông lạnh vào Hoa Kỳ với trên 91 nghìn tấn, trị giá 385 triệu USD. Trong đó, riêng nhập từ Việt Nam đạt 86,6 nghìn tấn, trị giá 364 triệu USD. Ngoài ra, khối lượng cá tra nguyên con/cắt khúc, mã HS 030324 nhập khẩu vào Hoa Kỳ chỉ chiếm 1,3 nghìn tấn, trị giá 5,8 triệu USD.
VASEP nhận định, có thể nhập khẩu cá tra của Hoa Kỳ sẽ tăng lên trong những tháng tới, khi mà lạm phát giá thực phẩm nói chung, thuỷ sản nói riêng làm cho thị trường Hoa Kỳ chao đảo hơn, đồng thời cũng bước vào chu kỳ tăng nhu cầu cho dịp Giáng sinh và năm mới sắp tới.
GIÁ THỦY SẢN TĂNG CAO, DÂN MỸ TĂNG TIÊU DÙNG CÁ TRA
Theo dữ liệu cập nhật của Công ty dữ liệu và công nghệ Numerator, tại thị trường Hoa Kỳ, lạm phát hàng hóa tổng thể đã đạt mức kỷ lục trong tháng 7 và vẫn giữ nguyên mức giá cao trong tháng 8/2022.
Cụ thể, lạm phát hàng hóa tổng thể đạt mức cao kỷ lục 15,4% trong tháng 7, khiến mức lạm phát tổng thể trong 7 tháng đầu năm tăng 26%.
Trong đó, mức lạm phát với các sản phẩm thủy sản bình quân đã tăng 16,8% trong tháng 7/2022, vượt xa so với mức lạm phát hàng hóa tổng thể tại thị trường Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, mức tăng giá của tôm ghi nhận ở mức 8,5%, thấp hơn tỷ lệ lạm phát trung bình. Trong khi, mức tăng giá cao nhất trong nhóm hàng thủy sản tại thị trường Hoa Kỳ lại là cá tra.
"Trên thị trường Hoa Kỳ, mức tăng giá của cá tra trong riêng tháng 7/2022 lên tới hơn 25% và giá bán bình quân sản phẩm này hiện đã tăng trên 60% so với thời điểm này năm trước". Theo Công ty dữ liệu và công nghệ Numerator - Hoa Kỳ. |
Lý giải nguyên nhân khiến giá cá tra tăng mạnh tại thị trường Hoa Kỳ, Numerator cho rằng trong bối cảnh lạm phát quá mạnh, người dân Hoa Kỳ đã cắt giảm tiêu dùng những sản phẩm thủy sản giá cao, chuyển sang những loại thủy sản giá thấp.
So với các loại cá da trơn được nuôi trồng tại Hoa Kỳ, cá tra nhập khẩu có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/4 - 1/5 so với giá bán của các loại cá da trơn khác.
Theo ông Chris Dubois, Giám đốc điều hành cấp cao của công ty phân tích người tiêu dùng và bán lẻ có trụ sở tại Chicago (IRI), thị trường thủy sản tại Hoa Kỳ đã đạt đến điểm giới hạn, doanh số bán hàng giảm ngày càng nhanh do giá tăng. Các con số mới nhất về tiêu thụ thủy sản tại thị trường Hoa Kỳ cho thấy lạm phát ngày một tăng, gây nên nhiều khó khăn lên ngành tiêu dùng và bán lẻ.
Doanh số bán hải sản tươi sống trong tháng 8/2022 giảm gần 10% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán bằng USD giảm 5,2%. Giá trung bình mỗi pound thủy sản tươi sống là 9,29 USD/pound trong tháng 8/2022, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Chris DuBois cho biết thủy sản đang phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng khi doanh số bán hàng sụt giảm hơn do giá cao. Giá tăng 5,2%, nhưng doanh số bán hàng giảm 5,2% và khối lượng giảm 9,8%. Kết quả này cho thấy việc tăng giá đã đạt đến điểm giới hạn đối với người tiêu dùng.
Trong bối cảnh giá cá da trơn tại Hoa Kỳ đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của túi tiền người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đang có kế hoạch mua 1,44 triệu pao các sản phẩm cá da trơn cho các chương trình hỗ trợ thực phẩm của chính phủ.
Chương trình này nhằm giúp cung cấp thức ăn cho người cao tuổi và người khuyết tật đủ điều kiện tham gia chương trình Build Back Better của tổng thống Joe Biden.
Trong đó, Chương trình hướng tới nhập khẩu các sản phẩm cá da trơn gá rẻ để bù đắp cho các sản phẩm cá da trơn giá đắt, trong đó cá tra với giá thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cá da trơn đã trở thành sản phẩm ưu tiên lựa chọn nhập khẩu cảu USDA.
Theo USDA, mục tiêu của chương trình là chuyển đổi hệ thống thực phẩm nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhà sản xuất và cộng đồng nông thôn bằng cách cung cấp nhiều lựa chọn hơn, tăng khả năng tiếp cận và tạo thị trường mới cho các nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ.
Chương trình được xây dựng dựa trên các bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid 19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột Nga-Ukraine. Các hồ sơ trúng thầu Chương trình nhập khẩu cá da trơn này sẽ được công bố vào cuối tháng 9/2022, việc giao hàng sẽ được thực hiện từ ngày 1/11 đến 31/1/2023.