Hoàn thiện hạ tầng giao thông, TP.HCM sẽ kéo giảm chi phí logistics còn 10% GDP
Cảng Cát Lái, TP.HCM.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt hoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm.

Cũng theo VLA, tỷ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam là 18% GDP, trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ 9 - 14%. Trong tổng chi phí logistics thì chi phí vận tải chiếm 60%, chi phí xếp dỡ chiếm 21%, chi phí kho bãi chiếm 12%...

ĐỀ XUẤT XÂY CẢNG NƯỚC SÂU CẦN GIỜ

Theo các chuyên gia, TP.HCM có thế mạnh về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho khu vực các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông - Tây Nam Bộ triển khai còn chậm, khiến giao thương khu vực phát triển chưa xứng tầm khi chi phí logistics vẫn “đè nặng” lên vai doanh nghiệp.

Tại diễn đàn "Vị thế Logistics của TP.HCM từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực" diễn ra chiều ngày 30/9/2022, ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM, cho biết 54% sản lượng hàng hóa tại Việt Nam được vận tải bằng đường bộ nên cảng Cát Lái và cảng tại quận 7 quá tải hạ tầng luôn xảy ra.

Theo ông Cường năm 2021, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển cả nước khoảng 700 triệu tấn, TP.HCM chiếm 23% với sản lượng 165 triệu tấn.

Theo các diễn giả tham dự diễn đàn: "ngành logistics đang có nghẽn là hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu; đường biển, đường sắt nội địa, đường thủy phát triển chưa tương xứng…


Theo các diễn giả tham dự diễn đàn: "ngành logistics đang có nghẽn là hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu; đường biển, đường sắt nội địa, đường thủy phát triển chưa tương xứng…

Trong thống kê phát triển về cảng biển phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu TP.HCM chiếm trên 40%. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng hàng hoá qua cảng biển thành phố vượt 2,63% so với quy hoạch tiếp nhận của năm 2030.

“Kiến nghị TP.HCM đẩy nhanh bổ sung quy hoạch cảng biển nước sâu tại khu vực Cần Giờ. Đây là một trong những điều kiện quyết định để thành phố tiếp tục duy trì là trung tâm logistics lớn, xây dựng thành công chiến lược TP.HCM trung tâm tài chính quốc tế”, ông Cường nói.

LOGISTICS - NGÀNH DỊCH VỤ MŨI NHỌN CỦA TP.HCM

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng với vai trò là một đô thị đặc biệt, là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế của cả nước, thành phố đặt mục tiêu phải phát triển logistics trở thành 01 ngành dịch vụ mũi nhọn. Theo đó, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.HCM đạt 15% và đạt 20% vào năm 2030.

Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP.HCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: "TP.HCM chưa có một trung tâm logistics lớn" - Ảnh: ĐN.


Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: "TP.HCM chưa có một trung tâm logistics lớn" - Ảnh: ĐN.

Đặc biệt, TP.HCM chỉ mới có Trung tâm logistics Khu Công nghệ Cao TP.HCM (6ha) vẫn đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư; 6 trung tâm còn lại chủ yếu ở giai đoạn lập quy hoạch phân khu (1/2000).

Các dự án "tương tự trung tâm logistics" của doanh nghiệp triển khai như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), kho thương mại điện tử ở huyện Củ Chi… cũng đang trong quá trình xây dựng, chưa có trung tâm nào hoạt động thực sự.

"Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai, thành phố cũng nhìn nhận có 02 điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển logistics thành phố. Điểm nghẽn đầu tiên là vấn đề về hạ tầng logistics và thứ hai là về phát triển nguồn nhân lực", bà Thắng nói.

Về vấn đề nhân sự, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết hiện cả nước có 699.566 doanh nghiệp logistics, trong đó, có gần 4.000 doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp. TP.HCM chiếm 31% doanh nghiệp logistics cả nước và 54% số doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp.

Báo cáo logistics Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương cho thấy nhu cầu nhân sự logistics mỗi năm tăng khoảng 7,5%. Riêng TP.HCM giai đoạn 2021-2025 cần 63.000 lao động logistic/năm, trong đó cần hơn 8.400 lao động logistics chuyên nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành logistic, TP.HCM xác định 2 nhiệm vụ chiến lược là đẩy nhanh đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa để bổ sung lượng lao động đang thiếu hụt. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu để ngang bằng trình độ quốc tế. Có thể liên kết với các tỉnh để đào tạo.

Theo đề án phát triển Logistics TP.HCM đến 2025 và tầm nhìn 2030 của Sở Công Thương TP.HCM, thành phố cần có 7 trung tâm logistics đạt chuẩn với năng lực thông qua hàng hoá (TEU) của từng trung tâm logistics như sau:

Trung tâm logistics Long Bình (2.500.000– 3.000.000 TEU): là nơi trung chuyển hàng xuất nhập khẩu đến cụm cảng Cái Mép.

Trung tâm logistics Cát Lái (3.100.000 - 3.500.000 TEU): tiếp giáp phục vụ hậu cần với cảng Cát Lái, cảng Cái Mép.

Trung tâm logistics Khu công nghệ cao phục vụ hậu cần cảng biển TPHCM, cảng Cái Mép (300.000 TEU).

Trung tâm logistics Củ Chi (282.150 - 319.770 TEU): phục vụ hậu cần cảng biển TP.HCM, cảng Cái Mép.

Trung tâm logistics Hiệp Phước (1.430.000 – 1.600.000 TEU): phục vụ hậu cần cảng Hiệp Phước.

Trung tâm logistics Linh Trung (480.000 - 520.000 TEU) và Trung tâm logistics Tân Kiên (450.000 - 500.000 TEU): phục vụ hậu cần cho ngành hàng không đường sắt.

Mộc Minh
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc