M&A Đường Quảng Ngãi: Nutifood quyết giành lại thị phần phân khúc cao cấp
Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng đã mang lại tăng trưởng lớn cho Vinasoy. Ảnh: Đ.T

Lộ diện

“Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi là một doanh nghiệp F&B (ngành thực phẩm và đồ uống - PV) rất tốt, định giá hấp dẫn. Tôi nghĩ rằng, khoản đầu tư của Nutifood vào công ty này là rất triển vọng. Hy vọng, Nutifood có thể chia sẻ một số chiến lược hay nhất để thúc đẩy tăng trưởng cho Đường Quảng Ngãi”, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư của Tập đoàn VinaCapital chia sẻ.

Hiện nhóm VinaCapital sở hữu 7% trong tổng gần 18% số cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tại Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (Đường Quảng Ngãi).

Trước đó, đại diện quỹ đầu tư này cũng bày tỏ sự lạc quan đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B ở Việt Nam. Nhưng đó là câu chuyện trong quá khứ của 5, 10, 15 năm trước - thời điểm Việt Nam có rất nhiều thương hiệu tốt như Vinamilk, Phúc Long Coffee, Chinsu… và cũng là giai đoạn quỹ này gặt hái được nhiều khoản đầu tư hời trong ngành hàng tiêu dùng, F&B.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, dù nhu cầu đối với hàng tiêu dùng vẫn rất mạnh, nhưng khi các thương hiệu quốc tế đến Việt Nam dày đặc hơn, thì các doanh nghiệp Việt ngày càng khó cạnh tranh hơn.

Lúc này, các ông lớn trên thị trường phải tích cực săn tìm cho mình mảnh ghép hoàn hảo, bằng nhiều con đường khác nhau để thâu tóm thêm đối thủ, vun vén vị thế… là điều dễ hiểu.

Sau nhiều đồn đoán, Công ty Sữa NutiFood chính thức xuất hiện tại cuộc đua thâu tóm Đường Quảng Ngãi, đơn vị sở hữu thương hiệu Vinasoy. Cụ thể, Nutifood Bình Dương công bố mua thêm 2 triệu cổ phiếu, qua đó cùng Nutifood sở hữu tổng cộng 19 triệu cổ phiếu, trở thành nhóm cổ đông lớn sở hữu 5,33% cổ phần của Đường Quảng Ngãi. 

Năm 2021, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Đường Quảng Ngãi xuất hiện động thái đáng chú ý: một chuyên gia mua bán - sáp nhập (M&A) của Công ty Chứng khoán Rồng Việt - hiện là Giám đốc điều hành Công ty Chứng khoán Rồng Việt, ông Nguyễn Văn Đông đã tham gia vào Hội đồng Quản trị.

Ông Đông nhận ủy quyền cho một nhóm cổ đông nắm giữ 29,35 triệu cổ phiếu, tương đương 8,2% vốn điều lệ của Đường Quảng Ngãi; còn Chứng khoán Rồng Việt nắm giữ 3 triệu cổ phiếu Đường Quảng Ngãi tại thời điểm ngày 30/6/2021. Chứng khoán Rồng Việt là đơn vị tư vấn cho Công ty cổ phần Cà phê Phước An, thành viên của Nutifood.

Theo một số nhà đầu tư, cổ đông của Công ty Chứng khoán Rồng Việt đang nắm khoảng 5% cổ phần tại Đường Quảng Ngãi, nhưng thực chất đó là của Nutifood. Như vậy, có thể nói, nhóm các cổ đông ẩn danh Nutifood đang nắm cổ phần lớn nhất tại Đường Quảng Ngãi.

Với vốn hóa thị trường gần 16.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận ổn định hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm, Đường Quảng Ngãi hiện là doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn nhất đang không nằm dưới sự kiểm soát của nhóm cổ đông nào.

Cơ cấu cổ đông của Đường Quảng Ngãi khá phân mảnh: Ban Lãnh đạo cấp cao nắm giữ gần 18%; Công ty Thành Phát đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 15,6%. Do là công ty con của Đường Quảng Ngãi, nên về bản chất, quyền biểu quyết của Thành Phát vẫn do Ban Lãnh đạo hiện hành của Đường Quảng Ngãi quyết định.

Chân dung “ông hoàng” trên thị trường sữa đậu nành Việt

Đường Quảng Ngãi sở hữu sản phẩm khá đa dạng, từ đường, sữa đậu nành (Fami, Vinasoy), bia (Dung Quất), nước khoáng (Thạch Bích) cho đến bánh kẹo (Bisca Fun), song mảng kinh doanh nổi bật và vẫn duy trì được sức nặng cho đến bây giờ chính là sữa đậu nành. Cụ thể, sản phẩm sữa đậu nành của Công ty tiếp tục dẫn đầu ngành năm 2021, chiếm 90% thị phần sữa đậu nành hộp giấy tại Việt Nam.

Tiền thân là Nhà máy Sữa Trường Xuân, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy thuộc Đường Quảng Ngãi chính thức đi vào hoạt động từ năm 2005 và nhanh chóng trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của doanh nghiệp này. Tới năm 2010, Vinasoy đã vươn lên vị thế dẫn đầu, trở thành “ông hoàng” trên thị trường sữa đậu nành Việt với hơn 80% thị phần.

Về kết quả kinh doanh, nhiều năm qua, doanh thu của sữa đậu nành vẫn đóng vai trò trụ cột cho Đường Quảng Ngãi. Năm 2021, doanh thu từ mảng này đạt 4.090 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2020, đóng góp khoảng 55,5% tổng doanh thu.

Kế hoạch trong năm 2022, Đường Quảng Ngãi đặt mục tiêu doanh thu 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.008 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và giảm 20% so với kết quả năm 2021.

Vinasoy ghi dấu ấn tên tuổi sữa đậu nành “made in Việt Nam” đậm nét hơn trên “bản đồ” sữa thế giới bằng việc tiếp tục cho sản phẩm lên kệ tại các thị trường lớn và giàu tiềm năng. Cụ thể, sản phẩm Vinasoy có mặt ở gần 200 cửa hàng châu Á tại Mỹ, các chuỗi cửa hàng tiện lợi của người Việt tại Seoul, Ansan (Hàn Quốc). Doanh nghiệp tiếp tục phủ sản phẩm tại 400 cửa hàng chuỗi Don Quijote (Nhật Bản) và hiện diện tại 10 cửa hàng nằm trong chuỗi 1 Stop Mart ở Thủ đô Yangon cùng 2 chợ truyền thống ở TP. Bago (Myanmar).

Sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành Vinasoy năm 2021 đạt 270 triệu lít, tăng 8% so với năm 2020. Với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, năm 2021, Vinasoy tung 6 sản phẩm sữa đậu nành với nhiều hương vị đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, đóng góp đến 39% vào sản lượng tăng trưởng trong năm 2021. Thị trường của Vinasoy rộng khắp cả nước, đi đầu ngành hàng trong việc triển khai giải pháp “Bản đồ bao phủ”, đặc biệt phát huy hiệu quả trong tình hình dịch bệnh.

Riêng với thị trường xuất khẩu, năm 2021, sản phẩm của Vinasoy phủ sóng hơn 1.000 cửa hàng tại châu Á, chủ yếu ở Nhật Bản và Trung Quốc (thuộc top các nước tiêu thụ đậu nành lớn nhất thế giới); có mặt ở hơn 200 siêu thị, cửa hàng tại nhiều bang của Mỹ và đang xuất khẩu qua Hàn Quốc.

Những thành công này là “quả ngọt” tiếp nối cho hành trình nỗ lực với tầm nhìn phát triển bền vững và chiến lược đầu tư, kinh doanh bài bản. Trước đó, cột mốc “vươn ra biển lớn” của Vinasoy bắt đầu từ năm 2020 khi “chào sân” 11 trang thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc.

Chiến lược giành lại phân khúc cao cấp của Nutifood

Nutifood là công ty chuyên về các sản phẩm sữa dinh dưỡng, cũng nằm trong top các tên tuổi dẫn đầu thị trường. Nhưng những năm trở lại đây, động lực tăng trưởng của Nutifood có dấu hiệu chậm lại, một phần thị trường sữa cho mẹ và bé đang chuyển dịch sang phân khúc cao cấp hơn, khi mức sống người dân tăng lên.

Hơn nữa, Nutifood liên tục phải chịu sức ép cạnh tranh từ “ông lớn” Vinamilk. Trước đây, Vinamilk bao phủ các dòng sữa nhập khẩu, đánh bật cả Nestlé. Nutifood thua ở mặt trận Hà Nội và TP.HCM, cũng phải dạt về các tỉnh lẻ, buộc phải đánh vào phân khúc thấp hơn.

Hiện Nutifood muốn nâng cấp phân khúc cao cấp, nên buộc phải quay trở lại phát triển thị trường TP.HCM và Hà Nội. Nếu Nutifood tung chiến lược đánh trực diện, thì có thể sẽ tiếp tục thua, bởi Vinamilk sẽ bung tiền rất mạnh để bảo vệ vị thế. Do đó, việc thâu tóm Đường Quảng Ngãi là phương án tối ưu.

Đại diện Nutifood tự tin khẳng định, Nutifood đang âm thầm mạnh lên từng ngày. Có rất nhiều kế hoạch phía trước và các dự án mới làm thay đổi cục diện thị trường sẽ được Nutifood công bố trong vòng 1 năm tới.

Cũng theo đại diện này, Nutifood có hệ sinh thái rất mạnh và chiến lược kinh doanh tốt, được các đối thủ trong ngành đánh giá cao, nên việc Đường Quảng Ngãi rất kỳ vọng vào sự hợp tác với Nutifood sẽ mang lại sự đột phá trong thời gian tới.

“Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu ngành hàng dinh dưỡng và thay đổi chiến lược tiếp cận sản phẩm mía đường đòi hỏi thời gian, không thể bung mạnh theo hình dung của nhiều người”, đại diện Nutifood nói.

Đặc biệt, theo các nhà đầu tư, Ban Điều hành Đường Quảng Ngãi đã lớn tuổi, đã đi chặng đường dài, họ cần “làn gió mới” trong quản trị để đưa Công ty phát triển hơn. Hầu hết cổ đông cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Đường Quảng Ngãi còn rất lớn, bởi Công ty chiếm thị phần lớn trong mảng sữa đậu nành, nhưng lại chỉ là ngành hẹp. Do đó, các cổ đông tại Đường Quảng Ngãi có xu hướng ủng hộ thành viên mới và... “thay máu” Ban Điều hành.

“Đường Quảng Ngãi là một công ty đại chúng và bất cứ ai cũng có thể đầu tư. Tuy nhiên, chiến lược của Quỹ VOF là đầu tư dài hạn. Thực tế, chúng tôi đã nắm giữ Đường Quảng Ngãi gần 10 năm qua. Tuy nhiên, là một quỹ đầu tư, chúng tôi có trách nhiệm tối đa hóa lợi nhuận của các nhà đầu tư, nên sẽ linh hoạt và cân nhắc thoái vốn nếu giá cả và các điều kiện khác đi kèm đạt được kỳ vọng của chúng tôi”, ông Andy Ho chia sẻ.

Như vậy, trước mắt, các cổ đông Đường Quảng Ngãi đều đặt kỳ vọng vào nhóm cổ đông của Nutifood có thể giúp Công ty phát triển mạnh, với một Ban Điều hành trẻ, có động lực hơn trong bối cảnh thị trường thực phẩm, tiêu dùng đang cạnh tranh rất khốc liệt hiện nay.

Quý II/2022, doanh thu của Đường Quãng Ngãi đạt 2.226 tỷ đồng, tăng khoảng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 3 mảng kinh doanh của Đường Quảng Ngãi, mảng sữa đậu nành chiếm 60% doanh thu, ghi nhận mức tăng 230 tỷ đồng; doanh thu mảng kinh doanh sản phẩm đường và công ty con Thành Phát (kinh doanh các sản phẩm nước giải khát, bia và tiêu thụ sản phẩm đường) giảm nhẹ.

Giá vốn hàng bán tăng nhiều hơn mức tăng doanh thu, khiến biên lợi nhuận gộp của Công ty giảm từ 32,2% về 29,6%, song biên lợi nhuận gộp của mảng sữa đậu nành với thương hiệu Vinasoy không biến động so với kỳ trước.

Theo AC Neilsen, đến tháng 12/2021, sản lượng của Vinasoy đạt đến 90% thị phần sữa đậu nành tại Việt Nam. Không chỉ vậy, Vinasoy được công ty phân tích dữ liệu toàn cầu GlobalData UK công bố là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam nằm trong top 5 công ty sữa đậu nành lớn nhất thế giới liên tiếp từ năm 2018 đến năm 2021.

 

Anh Hoa
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc