Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 8,5 tỷ USD trong năm 2021
Hội nghị “Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới”

Đó là mục tiêu mà Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến giao cho Tổng cục Thủy sản tại  Hội nghị “Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 26/4/2021, tại Hà Nội.

SẢN LƯỢNG NUÔI TRỒNG ĐẠT 4,56 TRIỆU TẤN

 Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1.300 nghìn ha. Trong đó: diện tích nuôi tôm nước lợ trên 740 nghìn ha, nuôi cá truyền thống 450 nghìn ha, nuôi cá tra 5,7 nghìn ha, còn lại là nuôi các đối tượng khác và khoảng 10.000.000 m3 lồng (7.500.000 m3 lồng nuôi mặn lợ; 2.500.000 m3 nuôi ngọt).

 Năm 2020, mặc dù chịu tác động mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành thủy sản vẫn đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể,  tổng sản lượng nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2019. Trong đó: sản lượng cá tra đạt 1,56 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản). Sản lượng tôm nước lợ đạt 950 nghìn tấn  tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tăng 1%; tôm thẻ chân trắng 632,3 nghìn tấn, tăng 8,5%); kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD (chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành).

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Theo ông Luân, sản xuất giống thủy sản chủ lực về cơ bản đáp ứng nhu cầu số lượng cho nuôi thương phẩm. Cả nước có 2.362 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, sản xuất được là 79,3 triệu con tôm giống. Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 120 cơ sở sản xuất giống cá tra, sản xuất được khoảng trên 2 tỷ cá tra giống; đã thay thế 60.000 nghìn con cá bố mẹ chọn giống, chất lượng con giống cá tra đang từng bước được cải thiện. Diện tích nuôi biển đạt 260 nghìn ha và 7,5 triệu m3 lồng; sản lượng đạt 600 nghìn tấn. Trong đó cá biển 8,7 nghìn ha và 3,8 triệu m3 lồng, sản lượng 38 nghìn tấn; nhuyễn thể 54,5 nghìn ha, sản lượng 375 nghìn tấn; tôm hùm 3,7 triệu m3 lồng, sản lượng 2,1 nghìn tấn; rong biển 10.150 ha, sản lượng 120 nghìn tấn; còn lại là cua biển và các đối tượng nuôi khác…

GIỮ ỔN ĐỊNH DIỆN TÍCH NUÔI TRỒNG 1,3 TRIỆU HA

 Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản nêu lên những khó khăn, tồn tại của ngành thủy sản. Đó là, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới.

Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu thức ăn thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề, giá nguyên liệu thức ăn tăng liên tục làm giá thành sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá nước lạnh, tôm hùm, ốc hương, cá song …cũng giảm, do các đối tượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong các nhà hàng.

Ông Trần Đình Luân đề nghị Lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo: Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật là đơn vị được giao kiểm tra chất lượng và kiểm dịch nguyên liệu nhập khẩu cần thống kê đầy đủ về giá thành nguyên liệu, thị trường nhập khẩu chính.

Đồng thời, cần tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phương án, giải pháp đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu chính cho ngành sản xuất thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi để có nguồn nguyên liệu ổn định, phù hợp, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn để ổn định sản xuất.

 Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Viện nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, tìm giải pháp công nghệ, tìm nguồn nguyên liệu thay thế các nguyên liệu đang khan hiếm và có giá thành cao để chủ động sản xuất.

Đồng thời, các địa phương cần quan tâm phát triển các mô hình liên kết chuỗi để giảm trung gian, giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, lưu thông giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, trục lợi, ép giá, tung tin thất thiệt.

 Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần có giải pháp kịp thời, quyết liệt để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của ngành thủy sản năm 2021.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao nhiệm vụ cho ngành thủy sản, trong năm 2021 phải giữ ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản 1.300 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 450 nghìn ha (cá tra 5,7 nghìn ha), diện tích nuôi mặn, lợ 850 nghìn ha (trong đó 630 nghìn ha nuôi tôm sú và 110 nghìn ha nuôi tôm thẻ chân trắng). Sản lượng nuôi trồng thủy sản: đạt 4,75 triệu tấn, bằng 104,2% năm 2020 (cá tra 1,55 triệu tấn; sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn…).

 “Cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, phải giảm các đại lý trung gian, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản. 

"Tổng cục Thủy sản phải quản lý chặt chẽ chất lượng giống, vật tư thủy sản. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các vi phạm. Triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản giúp cho người nuôi ổn định sản xuất. Tránh lợi dụng để tăng giá bất hợp lý”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu.

 Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Chu Khôi
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc