Nhật Bản “nắn dòng” ODA sang Ấn Độ- Thái Bình Dương
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tiếp Phó Chủ tịch điều hành cấp cao JICA Junichi Yamada thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án ODA chậm tiến độ tại Việt Nam. Ảnh: TTX

Chiến lược mới này của Nhật Bản sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Tương thích với B3W

Tháng 6/2021, Hội nghị thượng đỉnh những nền kinh tế phát triển (G7) đã quyết nghị sáng kiến về đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu được đề xuất nhằm tạo ra phương án thay thế Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Sáng kiến này có tên gọi “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”, viết tắt là B3W.

Sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông tin về gói đầu tư khoảng 40.000 tỷ USD với tính chất đối lập hoàn toàn với BRI, phần lớn huy động từ doanh nghiệp, quỹ đầu tư từ các thành viên G7, trong đó có Nhật Bản.

Nhật Bản là một trong những chủ thể cấp vốn ODA lớn nhất thế giớ, chỉ sau Mỹ. Mục đích ban đầu của ODA nhằm giải quyết an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn.

Việt Nam nhận ODA từ năm 1992. Sau hai thập kỷ, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng kể trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Đối với nguồn ODA từ Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã và đang chuyển dần sang hỗ trợ phát triển các hạng mục hạ tầng chiến lược đòi hỏi công nghệ kỹ thuật cao và hỗ trợ mềm để hoàn thiện chính sách.
Như vậy, sự thay đổi ODA Nhật Bản có thể nói là tương thích với chương trình B3W. Do đó, trong tương lai, cách thức giải ngân, điều kiện vay vốn, hợp tác cũng sẽ khác đi.

Cơ hội cho Việt Nam

Việt Nam luôn là đối tác hàng đầu của Nhật Bản tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 30 năm sử dụng vốn ODA giúp Việt Nam tiếp cận phương thức quản lý và sử dụng tài chính minh bạch, khoa học và hiệu quả.

Khi Nhật Bản “nắn dòng” ODA sang khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương nhằm tạo ra khu vực tự do và mở rộng, nghĩa là song trùng với “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương” mà Nhà trắng chính thức công bố hồi tháng 2 năm nay.

Trong đó, ngoài đối tác truyền thống ở Đông Bắc Á thì Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là trọng tâm, kết nối, phối hợp hành động theo quy chế mới, nhằm đối trọng với Bắc Kinh. Các hoạt động chính bao gồm an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ.

Hệ thống chiến lược mới do Mỹ khởi xướng, kéo theo Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ,… hoạt động dựa trên nguyên tắc mới. Các quốc gia trong khu vực muốn kết nối và hưởng lợi cần phải thay đổi cách thức hợp tác.

Với ODA, Việt Nam chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn “quốc gia đang phát triển, thu nhập dưới mức trung bình”, nhưng với nguồn vốn theo trục đầu tư hạ tầng Ấn Độ - Thái Bình Dương còn phát sinh nhiều vấn đề liên quan, nhất là ngoại giao.
Bởi vì mục tiêu lớn nhất của Mỹ và các đồng minh khi xoay trục về Ấn Độ- Thái Bình Dương là tìm kiếm nguồn lực mới để phát triển, duy trì vị trí số 1 nhằm giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trương Khắc Hà
Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ
Link bài viết gốc