Nhu cầu than cho sản xuất điện tăng cao, EVN đề nghị TKV lên kế hoạch sẵn sàng cung ứng
Dự kiến, nhu cầu than trong 5 tháng cuối năm 2022 của các nhà máy nhiệt điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam là khoảng 8,84 triệu tấn. Tuy nhiên, do tình hình thủy văn thấp hơn so với dự kiến, nên tổng nhu cầu than của các nhà máy trong 5 tháng cuối năm tăng lên là khoảng 9 triệu tấn..
Theo báo cáo tại cuộc họp mới đây giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) về tình hình cung cấp than cho sản xuất điện năm 2022 và chuẩn bị cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện của EVN mùa khô năm 2023, trong 7 tháng năm 2022, tổng khối lượng than TKV cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 10,093 triệu tấn, tương đương với 96,45% tổng khối lượng hợp đồng của 7 tháng.
Trước đó, ngày 23/4/2022, EVN và TKV đã ký biên bản phối hợp đảm bảo cung ứng than cho sản xuất điện. Theo đó, trong quý 2/0222, TKV đã cấp 4,93 triệu tấn than (tương đương với 104,4% khối lượng hợp đồng), cao hơn so với quý 1/2022 là 1,27 triệu tấn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu vận hành của các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, tổng khối lượng than cấp trong quý 2 vẫn thấp hơn khối lượng than cam kết trong biên bản 2 bên đã ký kết (đạt 96,75%).
Nguyên nhân chủ yếu là do trong nửa đầu tháng 4, lượng than cấp cho các nhà máy vẫn ở mức thấp, đặc biệt là than cấp cho nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2. Ngoài ra, trong tháng 6, các nhà máy nhiệt điện phía Bắc có mức tồn kho cao, nên giảm nhận than từ TKV.
Dự kiến nhu cầu than trong 5 tháng cuối năm 2022 của các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN là khoảng 8,84 triệu tấn. Tuy nhiên, cập nhật theo phương thức vận hành mới nhất trong tháng 8/2022 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, do tình hình thủy văn thấp hơn so với dự kiến, nên tổng nhu cầu than của các nhà máy trong 5 tháng cuối năm tăng lên là khoảng 9 triệu tấn.
Theo đánh giá của EVN, về cơ bản khối lượng than cấp đã đáp ứng nhu cầu vận hành của các nhà máy nhiệt điện. Riêng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 còn thiếu khoảng 400.000 tấn.
Một trong những giải pháp hiện nay để tăng lượng than cấp bổ sung cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là điều chỉnh giảm kế hoạch cấp cho các nhà máy nhiệt điện phía Bắc đang có nhu cầu giảm.
EVN cũng đề nghị TKV thu xếp nguồn than để đảm bảo đủ nhiên liệu cho EVN phát điện trong năm 2022. Về lâu dài, EVN cũng chỉ đạo Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) thực hiện việc chuẩn bị đủ than cho sản xuất điện của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị số 29/CT-TTg, cũng như các quy định có liên quan.
Hiện nay, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đang xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2023.
Dự kiến, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu huy động các nhà máy nhiệt điện than sẽ cao hơn nhiều so với năm 2022, nhất là trong bối cảnh tình hình thủy văn các tháng cuối năm 2022 không thuận lợi.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong mùa khô năm 2023, các nhà máy nhiệt điện phải đảm bảo độ khả dụng tối đa, đảm bảo vận hành tin cậy ổn định trong suốt mùa khô và phải chuẩn bị đủ than cho sản xuất.
Từ cuối năm 2022, các nhà máy nhiệt điện của EVN cần phải tích đủ than tồn kho, thậm chí tích đầy các kho than theo sức chứa tối đa, để giảm thiểu rủi ro về gián đoạn nguồn than do giá than tăng cao, nguồn than nhập khẩu bị hạn chế như đầu năm 2022 và dự phòng cho thời gian nghỉ Tết nguyên đán của các đơn vị sản xuất than.
Để đảm bảo than cho sản xuất điện, EVN đề nghị TKV tăng cường công tác kiểm soát than từ đầu nguồn, đảm bảo chất lượng than cấp và giúp các nhà máy nhiệt điện của EVN chủ động hơn trong việc lập kế hoạch vận hành, hiệu chỉnh các lò máy phù hợp với chất lượng than đầu vào.
EVN cũng đề nghị TKV lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, tăng mức tồn kho của TKV cuối năm 2022 để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng thêm của các nhà máy nhiệt điện trong mùa khô năm 2023.