Phía sau vụ sụp đổ của “đế chế” tiền ảo FTX
Sam Bankmank-Fried.

Vào năm 2017, Bankman-Fried, sau khi rời vị trí nhà giao dịch định lượng của công ty quản lý quỹ Street Capital, bất chợt phát hiện thấy một điều thú vị khi vào trang Coinmarketcap.com để theo dõi giá tiền ảo Bitcoin trên các sàn giao dịch khác nhau trên thế giới. Hiện nay, giá Bitcoin trên các sàn khác nhau là tương đối thống nhất, nhưng ở thời điểm đó, Bankman-Fried nhận thấy có lúc giá Bitcoin trên các sàn khác nhau có thể chênh lệch tới 60%.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC hồi tháng 9 năm nay,  Bankman-Fried nói rằng theo bản năng tự nhiên, anh phát hiện cơ hội cho các giao dịch chênh lệch giá (arbitrage trade): mua Bitcoin ở một sàn rồi bán lại ở một sàn khác, bỏ túi phần chênh lệch giá giữa hai sàn.

TỪ “ĐẾ CHẾ” TIỀN ẢO ĐẾN ĐƠN XIN PHÁ SẢN

Một tháng sau khi nghiên cứu thị trường, Bankman-Fried mở công ty giao dịch của riêng mình, đặt tên là Alameda Research theo tên của thị trấn quê nhà Almeda thuộc Bang California để tranh thủ cơ hội trên và dành toàn bộ thời gian cho công ty này. Bankman-Fried tiết lộ với hãng tin CNBC rằng có những lúc công ty của anh kiếm được tới 1 triệu USD mỗi ngày.

Lý do vì sao Bankman-Fried nhận được sự ngưỡng mộ của giới đầu tư tiền ảo chỉ bằng cách theo đuổi một chiến lược giao dịch khá đơn giản nằm ở việc giao dịch này, nghe qua thì dễ, nhưng lại không hề dễ để thực hiện ở thời điểm cách đây 5 năm. Giao dịch chênh lệch giá Bitcoin đòi hỏi việc thiết lập kết nối giữa các nền tảng giao dịch khác nhau, cũng như tạo dựng được các cấu trúc phức tạp khác. Alameda Research làm được rất tốt những việc không phải ai cũng làm được này, và tiền cứ thế chảy vào túi Bankman-Fried, nhờ đó, Bankman-Fried dần xây dựng nên một “đế chế” tiền ảo khổng lồ.

Thành công của Alameda dẫn tới sự ra đời của sàn giao dịch tiền ảo FTX vào mùa xuân năm 2019. Thành công của FTX được nối tiếp bằng một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 2 tỷ USD chuyên rót vốn cho các công ty tiền ảo khác. Vào lúc đỉnh điểm, khối tài sản ròng cá nhân của Bankman-Fried tăng lên mức hơn 16 tỷ USD vào thời điểm tháng 3 năm nay.

Bankman-Fried nhanh chóng trở thành đại diện của thành công trong lĩnh vực tiền ảo và logo của FTX được gắn lên nhiều thứ từ xe đua giải F1 cho tới một sân vận động bóng rổ ở Miami. Ở tuổi 30,  Bankman-Fried là mục tiêu săn đón của giới truyền thông, mỗi lần xuất hiện đều tự hào về khối tài sản của công ty có thể mua được cả Ngân hàng Goldman Sachs. Thậm chí, anh còn trở thành một trong những nhà tài trợ lớn của Đảng Dân chủ Mỹ, có lúc cam kết chi 1 tỷ USD cho các cuộc chạy đua chính trị ở Mỹ nhưng sau đó rút lại tuyên bố này.

Tất cả đã thay đổi khi giá tiền ảo lao dốc chóng mặt năm nay. Lúc đầu, Bankman-Fried một mực nói rằng anh và “đế chế” của anh hoàn toàn miễn nhiễm với sự sụt giảm chóng mặt của thị trường, nhưng trên thực tế, cuộc khủng hoảng của giới tiền ảo đã khiến Bankman-Fried bị ảnh hưởng nặng nề. Alameda đã vay mượn để đầu tư vào các công ty tài sản số gặp khó khăn vào mùa xuân và mùa hè năm nay nhằm mục đích bảo vệ ngành công nghiệp tiền ảo tránh nguy cơ sụp đổ. Sau đó, công ty bị cho là dùng tiền gửi của khách hàng trên sàn FTX để nộp ký quỹ và trả những khoản nợ gấp. Một cuộc khẩu chiến trên Twitter giữa Bankman-Fried với CEO Changpeng Zhao đã phơi bày thực tế ở Alameda Research và FTX.

Phía sau vụ sụp đổ của “đế chế” tiền ảo FTX  - Ảnh 1

Cách đây ít ngày, Alameda, FTX và một loạt công ty con do Bankman-Fried sáng lập đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Delaware. Bankman-Fried rút khỏi tất cả các vị trí lãnh đạo công ty và mất 94% tài sản ròng cá nhân chỉ trong 1 ngày. Hiện không rõ “ông trùm” tiền ảo này đang ở đâu, vì căn penthouse trị giá 40 triệu USD của anh ở Bahamas đang bị rao bán. Không còn là biểu tượng thành công, những bức ảnh Bankman-Fried trên những tấm biển quảng cáo chưa kịp gỡ của FTX ở khắp trung tâm San Francisco giờ đây trở thành lời nhắc nhở về sự sụp đổ của một “đế chế”.

An Huy
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc