Tận dụng đòn bẩy thương hiệu quốc gia để nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp
Thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng thế giới những năm gần đây. Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quản lý tốt sẽ là chìa khóa thành công và có thể mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế đất nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.
Giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh
Theo báo cáo mới đây của Brand Finance, năm 2020 Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng 29% so với năm 2019. Nhờ đó, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng theo báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021.
Báo cáo của Brand Finance đưa ra kết luận, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, nhất là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, nhất là sự chỉ đạo sát sao trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Thương hiệu DN gắn với thương hiệu quốc gia
Từ năm 2003, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, nâng cao vị thế và giá trị gia tăng trong từng ngành hàng, lĩnh của nền kinh tế khi Việt Nam ngày càng tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu.Việt Nam có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng tập trung xây dựng và quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam tại thị trường nước ngoài; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên uy tín chất lượng, sản xuất thân thiện với môi trường và tính chuyên nghiệp, từ đó góp phần củng cố vị thế của thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bên cạnh sự phát triển của thương hiệu quốc gia, nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới như Viettel - Top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty TNHH nhà nước một thành viên yến sào Khánh Hòa đứng đầu khu vực châu Á về sản lượng khai thác yến; Công ty CP Sữa TH, doan nghiệp đầu tiên có được “giấy thông hành” đi vào thị trường Trung Quốc…
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch MVV Group chia sẻ, các doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào việc được công nhận là doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia mà hãy nhìn vào những giá trị doanh nghiệp có thể tận dụng được từ đây. Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ cung cấp cho doanh nghiệp bộ công cụ bao gồm các phương thức thực hiện, chỉ số đo lường để doanh nghiệp Việt Nam biết cách vận hành và thay đổi, giúp doanh nghiệp soi chiếu xem mình đang ở đâu, cần phải làm gì, đánh giá hiệu quả các hoạt động đang triển khai và sức mạnh nội tại của doanh nghiệp.
Ông Lại Tiến Mạnh – Giám đốc công ty Mibrand chỉ ra 3 giá trị cốt lỗi mà các doanh nghiệp trong chương trình thương hiệu quốc gia phải tuân thủ: chất lượng, đổi mới và năng lực tiên phong. Các giá trị này không phải là các khẩu hiệu mà nó cần được biến thành các hành động cụ thể để đảm bảo tính tương thích giữa hành động, lời nói với các giá trị trong chương trình Thương hiệu quốc gia.
Khẳng định thương hiệu quốc gia là đòn bẩy để doanh nghiệp xây dựng chương trình truyền thông dựa vào uy tín của thương hiệu quốc gia. Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, có các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam. Từ đó, góp phần tăng cường hơn nữa những lợi ích mà vị thế mới, giá trị mới của thương hiệu quốc gia mang lại.