Tàu thăm dò của Trung Quốc lăn bánh trên sao Hỏa
Ngày 22-5, Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên của nước này đã rời khỏi bệ hạ cánh và hiện đang di chuyển trên bề mặt hành tinh đỏ.
Theo Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc, tàu thăm dò chạy bằng năng lượng mặt trời đã chạm đất trên sao Hỏa lúc 10:40 sáng thứ Bảy, ngày 22-5 theo giờ Bắc Kinh.
Trước đó, ngày 15-5, Trung Quốc đã hạ cánh tàu vũ trụ mang theo tàu thăm dò trên sao Hỏa, đây là một kỳ tích trong lần thử thách đầu tiên của nước này, vì về mặt kỹ thuật, hạ cánh trên sao Hỏa khó hơn hạ cánh lên mặt trăng. Trung Quốc là quốc gia thứ hai làm được điều này, sau Mỹ.
Được đặt tên theo vị thần lửa của Trung Quốc, tàu thăm dò Chúc Dung (Zhurong), đã chạy thử nghiệm trong vài ngày trước khi bắt đầu khám phá vào hôm nay. Chúc Dung nặng 240 kg, có sáu dụng cụ khoa học, trong đó có một máy ảnh địa hình độ phân giải cao, sẽ nghiên cứu đất và bầu khí quyển trên bề mặt hành tinh.
Được cung cấp bởi năng lượng mặt trời, Chúc Dung cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống cổ đại, gồm dấu hiệu về nước và băng dưới bề mặt, bằng cách sử dụng một radar xuyên đất trong suốt 90 ngày thực hiện nhiệm vụ khám phá bề mặt sao Hỏa.
Một hình ảnh do tàu thăm dò của Trung Quốc chụp được công bố ngày 19-5. Nguồn: CNSA.
Trước đó, ngày 19-5, Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc đã công bố những hình ảnh đầu tiên được chụp bởi tàu thăm dò Chúc Dung.
Cùng thời điểm này, Mỹ cũng có một sứ mệnh hoạt động trên sao Hỏa, là tàu thăm dò Perseverance và một máy bay trực thăng nhỏ. NASA dự kiến tàu thám hiểm sẽ thu thập mẫu đầu tiên vào tháng 7 để quay trở lại Trái đất sau một thập kỷ.
Trung Quốc có những kế hoạch không gian đầy tham vọng, đó là phóng một trạm quỹ đạo có phi hành đoàn và hạ cánh con người lên mặt trăng. Năm 2019, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu thăm dò vũ trụ xuống vùng xa xôi ít được khám phá của mặt trăng và vào tháng 12-2020, lần đầu tiên kể từ những năm 1970, Trung Quốc đã mang đá mặt trăng về Trái đất.