Thiếu linh kiện, giá laptop, máy tính tăng ngược quy luật
Do khan hiếm hàng và linh kiện, một số cửa hàng bán lẻ cho biết laptop, máy tính và linh phụ kiện tăng giá nhẹ và chưa có dấu hiệu ngừng lại…
Việc tăng giá máy tính đã được dự báo trước nguyên nhân do thiếu chipset, khiến cả ngành công nghiệp sản xuất ô tô, nghe nhìn, điện tử cũng bị ảnh hưởng lớn, không riêng gì máy tính.
TĂNG DO CUNG KHÔNG ĐỦ CẦU
Đại diện Thế Giới Di Động, cho biết: Do tình trạng chip khan hiếm nên hiện nay các hãng đã “rục rịch” tăng giá nhẹ một số mẫu mới và có thể sắp tới sẽ tăng giá thêm nhiều mẫu khác. Trong đó, phân khúc giá từ 14 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng gần như không còn hàng để bán. Đặc biệt, phân khúc laptop cao cấp từ 30 triệu đồng trở lên, lượng hàng không đáp ứng được nhu cầu quá cao của thị trường.
Theo ghi nhận của VnEconomy tại một số cửa hàng bán lẻ, dòng Pavilion của HP, một số dòng laptop của Dell sử dụng chip Intel Core i thế hệ thứ 11 tăng nhẹ từ 10-100 USD/sản phẩm. Một số dòng laptop của Acer và Asus cũng điều chỉnh giá tăng 5 - 10% từ quý 2/2021… Ngoài ra trong dịp Covid-19, nhu cầu sử dụng máy tính tăng cao khi phải làm việc từ xa, học trực tuyến.
Một nhà bán lẻ cho biết do linh kiện, phụ kiện của máy tính cũng tăng giá, khan hàng, đặc biệt là card đồ họa phục vụ cho game thủ, “những farm” đào tiền ảo đã tiếp sức đẩy giá laptop, máy tính lên cao. Thông thường, không ít mẫu laptop, máy tính sau 3-6 tháng ra mắt thì giá sẽ giảm dần nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, giá laptop, máy tính không những không giảm, mà còn tăng giá.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối viễn thông Di động FPTShop, cho biết: Đối với việc tăng giá, thiếu hụt linh kiện, FPT Shop không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của hệ thống. Nguyên do FPT Shop đã có các bước chuẩn bị kỹ tuỳ theo tình hình diễn biến của dịch và thị trường. Các sản phẩm chủ lực đã được dự báo và nhập hàng sẵn trong kho, đảm bảo 30-45 ngày luôn có đủ nguồn hàng trong khi đợi lô hàng mới về.
“Trước mắt, nhu cầu rất lớn ở phân khúc giá thấp (dưới 16 triệu) nên hàng hoá chua về kịp. Riêng các dòng sản phẩm phân khúc trên 16 triệu vẫn đang được hưởng ưu đãi tốt: giảm giá đến 3 triệu và nhiều sản phẩm còn được tặng thêm combo học tập và làm việc tại nhà.” Ông Nguyễn Thế Kha |
Ông Nguyễn Ngọc Đạt, Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ Di động Việt chia sẻ: Trước tình trạng cung không đủ cầu, giá thành các sản phẩm sẽ tăng là điều tất yếu. Tuy vậy, linh kiện là nhóm mặt hàng được sản xuất theo dây chuyền, có tính liên tục nên tình trạng khan hiếm này có thể sẽ nhanh chóng được khắc phục. Trong trường hợp sức mua tăng, dự kiến giá sản phẩm từ nay đến quý cuối năm có thể tăng nhẹ, dao động 1-3%, đây được xem là mức tăng không đáng kể.
CUỘC ĐUA MỞ CHUỖI CÔNG NGHỆ
Đa số các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam dự báo rằng, sớm nhất là quý 4/2021, phân khúc laptop, máy tính và phụ kiện mới có thể có đủ hàng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trên thị trường cũng ghi nhận, một cuộc đua mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ đang diễn ra rất sôi động tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, Di Động Việt vừa khai trương cửa hàng mới tại Tp.Biên Hòa, Đồng Nai. Tính đến thời điểm này, hệ thống bán lẻ này đã lên đến 18 cửa hàng ở Tp.HCM và 11 liên kết theo mô hình shop in shop (cửa hàng trong cửa hàng) với nhà mạng MobiFone.
Ngoài Di Động Việt, hệ thống ShopDunk chuyên bán lẻ các sản phẩm chính hãng Apple đã liên tục khai trương nhiều cửa hàng mới trên toàn quốc. Hiện, ShopDunk có 19 cửa hàng và quý 2/2021 sẽ mở rộng thêm tại Hà Nội và Tp.HCM. Trong quý 1/2021, FPT Shop cũng đã khai trương "thần tốc" 70 trung tâm bán lẻ máy tính xách tay trên toàn quốc.
Theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, doanh số máy tính xách tay toàn cầu vào năm 2020 lần đầu tiên vượt hơn 200 triệu chiếc. Đây là mức cao kỷ lục mới đối với thị trường máy tính xách tay toàn cầu. Dự báo, các lô hàng máy tính xách tay toàn cầu sẽ có cơ hội đạt 217 triệu chiếc vào năm 2021. Như vậy, tăng trưởng máy tính cá nhân sẽ là 8,1% so với năm ngoái.
Còn theo Gartner ước tính, số lượng máy tính PC (bao gồm máy tính bàn và laptop) bán ra đã tăng 32% trong quý 1/2021 so với cùng kỳ năm ngoái. IDC thì đưa ra con số còn lớn hơn, lên tới 55% mặc dù cuộc khủng hoảng về thiếu hụt chip bán dẫn nhưng vẫn không kìm được đà tăng trưởng của thị trường máy tính cá nhân.
Hơn nữa, năm 2021 đánh dấu sự phát triển và bùng nổ của mạng 5G trên toàn cầu. Các thiết bị di động như laptop và đặc biệt là smartphone sẽ ngày càng hiện đại với nhiều công nghệ mới hơn.
Với tiềm năng về nhu cầu và thị trường laptop, máy tính liên tục tăng trưởng đã kích thích nhiều nhà bán lẻ phấn khích trong việc mở rộng chuỗi kinh doanh, đón đầu cơ hội mới bất chấp dịch Covid-19 vẫn đang diễn tiến phức tạp.