Thị trường tiêu dùng - bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Quầy hàng thịt mát MEATDeli tại siêu thị VinMart

Tiêu dùng – bán lẻ: “miếng bánh” hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại

Tại Đại hội đồng Cổ đông Thường niên năm 2021, nền tảng tiêu dùng bán lẻ The CrownX của Masan đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 9 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, Masan Consumer (MCH) đóng góp 3 tỷ USD và VinCommerce (VCM) đóng góp 5 tỷ USD. The CrownX hướng đến sở hữu 25 thương hiệu tiêu dùng hàng đầu, phục vụ 30 – 50 triệu khách hàng thân thiết và 10% doanh thu đến từ kênh online. The CrownX cũng sở hữu 83,74% cổ phần của VCM cùng 85,71% phần vốn góp tại MCH.

Triển vọng của Masan trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại. Tháng 4/2021, chaebol top 3 Hàn Quốc SK Group đã đầu tư 410 triệu USD vào VinCommerce, tương đương 16,26% cổ phần của công ty.

Ông Woncheol Park Giám đốc Đại diện của SK South East Asia Investment – công ty thành viên của SK Group cho biết: "Chúng tôi vô cùng tin tưởng vào tiềm năng to lớn của ngành bán lẻ tích hợp online và offline tại Việt Nam và kỳ vọng VinCommerce sẽ là một thành tố quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa ngành bán lẻ”.

Các cửa hàng VinMart+ tại các vị trí đắc địa, tập trung đông dân cư tại các khu đô thị là biểu tượng cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Cho đến khoảng 3 năm trước, các địa điểm mua sắm chính của người Việt vẫn là các khu chợ truyền thống. Nhưng siêu thị hiện đại đang mọc lên hết sức nhanh chóng. Mặt khác, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh sự chuyển đổi trong xu hướng tiêu dùng sang bán lẻ hiện đại. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng thực phẩm, đồ uống có thương hiệu, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc.

Tháng 5/2021, nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị 400 triệu USD, tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành. Thương vụ này không chỉ đơn thuần là nhóm đầu tư trên rót vốn vào The CrownX mà còn là hợp tác chiến lược dài hạn giữa Masan – công ty bán lẻ hàng đầu Việt Nam và Alibaba – công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc và thế giới. Theo đó, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online (O2O) tại Việt Nam.

Tăng tốc đầu tư vào thịt mát có thương hiệu

Tháng 9/2021, công ty thịt mát thuộc Tập đoàn Masan - Masan MEATLife - công bố kế hoạch tái cấu trúc công ty thành các mảng kinh doanh tách biệt, bao gồm việc tách mảng thức ăn chăn nuôi. Đồng thời huy động 300 triệu USD trái phiếu để đầu tư vào mảng thịt. Cụ thể hóa cho chiến lược này, Masan MEATLife (MML) đã hợp tác chiến lược với De Heus nhằm tối ưu hóa và thúc đẩy năng suất của chuỗi giá trị đạm động vật từ trang trại đến bàn ăn.

Khách hàng chọn mua thịt mát MEATDeli tại cửa hàng VinMart+

Theo nội dung Bản ghi nhớ về quan hệ hợp tác đối tác, các bên sẽ tìm hiểu quan hệ đối tác chiến lược và các cơ hội hợp tác kinh doanh, cùng nhau hướng đến mục tiêu tối ưu hóa và thúc đẩy năng suất của chuỗi giá trị đạm động vật từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F (Feed - Farm – Food). Trong đó, Masan tiếp tục đầu tư phát triển vào lĩnh vực thịt mát có thương hiệu, còn De Heus sẽ ưu tiên tập trung cung cấp các giải pháp dinh dưỡng, con giống và chăn nuôi.

Thịt mát MEATDeli được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại

Với những bước đi bài bản, giá cổ phiếu MML của Masan MEATLife đã tăng hơn 75% từ đầu năm, hiện dao động quanh vùng giá 93.000 đồng/cổ phiếu.

Ngày 6/10, cổ đông của MML là VN Consumer MEAT II PTE Ltd thuộc quỹ đầu tư KKR đã đăng ký bán 7,1% cổ phần tại Masan MEATLife. Việc giá cổ phiếu MML tăng mạnh từ đầu năm tạo điều kiện cho VN Consumer MEAT II PTE Ltd tối đa hóa giá trị thoái vốn nhằm phục vụ cho các mục tiêu đầu tư tiếp theo.

Với chiến lược mới, hoạt động thoái vốn của KKR không ảnh hưởng đến hoạt động của Masan MEATLife. Mục tiêu cao nhất của công ty là cung cấp các sản phẩm thịt có chất lượng cao, có thể truy xuất nguồn gốc với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng.

Khánh Ngọc
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc