Thu hút FDI: Việt Nam cần thay đổi tư duy trong “cuộc chơi” toàn cầu
Việt Nam được các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ đánh giá là điểm đến đầu tư của họ trên toàn cầu. Tuy nhiên, để hiện thực hoá được việc thu hút đầu tư này, tận dụng được cơ hội hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng mới, có rất nhiều việc Việt Nam phải làm…
Tại tọa đàm “Đầu tư và thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động: Doanh nghiệp cần làm gì?” do Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hải Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, cho biết khảo sát của EuroCham cho thấy từ quý 1/2022 đến quý 4/2022 chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam giảm mạnh, từ 73 điểm xuống 48 điểm.
Điều này phản ánh sự kém lạc quan, thậm chí còn tiêu cực trong kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đến quý đầu năm 2023, chỉ số này vẫn giữ ở mức 48 điểm, bằng với quý 4/2022.
VIỆT NAM CÓ TÊN TRÊN BẢN ĐỒ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Về đầu tư, khảo sát nhanh cho thấy, trong quý 1/2023, có 36% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho rằng Việt Nam nằm trong top 5 điểm đến đầu tư của họ trên toàn cầu. Đây là tín hiệu tích cực. Hơn nữa Việt Nam là quốc gia có tên khá tích cực trên bản đồ đầu tư của các tập đoàn EU.
“Cùng với số điểm này, kết hợp với một số yếu tố khác như kinh tế toàn cầu quay trở lại, chỉ số tăng trưởng kinh tế của EU được điều chỉnh tăng hơn so với dự báo tháng 12 năm trước, nên kỳ vọng kinh tế thế giới có thể tạo đáy vào năm 2023. Bên cạnh đó, khảo sát chung với các doanh nghiệp EU tại Việt Nam về số lượng đơn hàng, tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp… kỳ vọng mọi thứ sẽ tốt hơn trong quý tới”, ông Minh hy vọng.
Ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng cho hay, các doanh nghiệp Mỹ nhìn vào Việt Nam trong trung hạn vẫn rất tích cực.
Bằng chứng cuối tháng 3 vừa qua đoàn doanh nghiệp Mỹ (gồm 52 doanh nghiệp) lớn nhất từ trước tới nay vào Việt Nam tìm hiểu, khảo sát. Chứng tỏ mối quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ với thị trường Việt Nam vẫn rất lớn.
Không chỉ vậy, từ giờ đến cuối năm còn rất nhiều doanh nghiệp khác có kế hoạch sang Việt Nam do xu hướng dịch chuyển, tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp tục.
Theo ông Thành, các nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú cho khách của Hoa Kỳ muốn đưa Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất Asean trong vài năm tới. Ngân hàng hàng đầu nước Mỹ cũng đang tính dịch chuyển trụ sở khu vực Asean đang ở Hồng Công về Việt Nam.
Các chuyên gia chia sẻ tại toạ đàm.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao về lĩnh vực y tế của Việt Nam. Ưu tiên cao nhất của chính phủ Mỹ hiện nay trong thương mại quốc tế là đảm bảo duy trì an ninh và sức chống chịu của chuỗi cung ứng. Việt Nam có thể “nhảy” vào chuỗi cung ứng về y tế, kinh tế số (do phần cứng Mỹ không nhập từ Trung Quốc nữa). Đây chính là cơ hội lớn cho Việt Nam trong hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Mỹ.
Ngoài ra, ông Thành cho hay, đang có xu hướng đầu tư gián tiếp từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, vì họ nhìn thấy chất lượng tài sản và năng lực Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam nên tranh thủ cơ hội này để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
BỎ TƯ DUY TIẾP CẬN “THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC”
Nhưng làm thế nào để hiện thực hoá được việc thu hút đầu tư này, làm thế nào để tận dụng được cơ hội hiện nay đặc biệt trong bối cảnh xu hướng mới trên toàn cầu theo các chuyên gia, có rất nhiều việc cần Việt Nam phải làm và làm rất quyết liệt trong thời gian tới.
Đại diện EuroCham cho rằng các doanh nghiệp EU đặt yếu tố hàng đầu trong thu hút đầu tư vào Việt Nam chính là cải cách về thể chế, môi trường và thủ tục hành chính.
Những xu hướng mới trên thế giới hiện nay thay đổi rất nhiều, đặc biệt những xu hướng liên quan tới sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, phát triển bền vững, quyền con người.
EU đưa ra bộ luật mới liên quan tới chuỗi cung ứng, điều này ảnh hưởng khá đáng kể đến các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn châu Âu, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
“Sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững không chỉ còn là khẩu hiệu hô hào, mà là thời điểm các thị trường lớn như EU, Mỹ đưa ra các đạo luật này. Đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các điều kiện này thì mới có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng”, ông Minh nhấn mạnh.
Với Việt Nam có rất nhiều việc cần cải cách. Cụ thể, đó là vấn đề về năng lượng, không chỉ đơn thuần là nhà đầu tư tham gia vào dự án năng lượng, mà Việt Nam có cam kết rất mạnh mẽ ở COP 26 đi kèm với đó là chiến lược tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã xây dựng, ban hành khá hoàn thiện.
Năng lượng tái tạo là xu hướng không thể đảo ngược, đặc biệt với doanh nghiệp EU thì đây là điều kiện không thể thiếu. Một mặt đây là lĩnh vực tiềm năng cho đầu tư vì EU có thế mạnh về điện gió, điện mặt trời, điện ngoài khơi… giúp Việt Nam hiện thực hoá được cam kết của mình.
Ngược lại, đây không phải là dự án đầu tư bình thường mà bắt buộc Việt Nam phải nhìn nhận năng lượng tái tạo là nhu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của EU. Nếu không có năng lượng tái tạo, những dự án sản xuất xuất khẩu sẽ bị trì hoãn. Điều này bắt buộc Chính phủ, Bộ Công Thương cần quan tâm nhiều hơn đến quy hoạch Điện 8 đặc biệt cơ chế mua bán điện trực tiếp cho các dự án sản xuất.
Tương tự, ông Vũ Tú Thành bổ sung, năng lượng là lĩnh vực quan trọng với các nhà đầu tư Mỹ. Để đầu tư sản xuất vào Việt Nam họ cần có năng lượng tái tạo, đòi hỏi quy hoạch Điện 8 phải được phê duyệt vì “quả bóng trong chân chúng ta chứ không phải các nhà đầu tư nước ngoài”.
“Chúng ta cần có tư duy dài hạn hơn, bởi cách tiếp cận hiện nay vẫn là tư duy của thị trường trong nước, vẫn là yêu cầu các nhà đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch- tư duy này chưa bắt kịp xu thế. Giờ là cuộc chơi toàn cầu. Nhu cầu của các FDI là cần năng lượng tái tạo và họ sẵn sàng chi trả. Chúng ta cần tranh thủ hợp tác với họ để đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới”, ông Thành nói.
Ngoài ra, theo đại diện EuroCham, có một xu hướng mới đòi hỏi Việt Nam cần nắm bắt. Chính sự thuận lợi về vị trí địa lý, Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư châu Âu để trở thành trung tâm logistics trong khu vực Asean. Nhưng cơ sở pháp lý, hạ tầng chưa cho phép Việt Nam hiện thực hoá được điều này.
“Để hiện thực hoá, Việt Nam cần có cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư, thực hiện trung tâm logistics ở Việt Nam, biến Việt Nam thành nơi trung chuyển hàng hoá trong khu vực. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam nếu dự án thành hiện thực”, ông Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề ảnh hưởng lớn tới quyết định đầu tư FDI. Ngoài những cơ chế làm tăng chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam cần có cơ chế thu hút chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao từ chuyên gia nước ngoài. Sau đó có cơ chế về chuyển giao công nghệ, đào tạo, khi đó nhân lực Việt Nam mới bắt kịp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trong khi hiện quy định về giấy phép lao động, chuyên gia vẫn còn nhiều bất cập.
Du lịch cũng là hướng phát triển cho Việt Nam, nhất là khi cơ chế dự thảo tháo gỡ vướng mắc về visa cho người nước ngoài cũng là cú hích cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Tại toạ đàm VIAC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 19 hiệp hội ngành hàng và hiệp hội địa phương tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội Da giày – túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội... nhằm hỗ trợ pháp lý, tập huấn trao đổi kinh nghiệm về đàm phán, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng; xử lý rủi ro, tranh chấp về hợp đồng…