Thủ tướng: Ngành nông nghiệp trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế".

Ngày 13/01/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

NHIỀU CÂU HỎI TRĂN TRỞ CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho biết tin vui là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản  năm 2022 đạt trên 53 tỷ USD - hoàn thành chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao một năm trước đây. Xuất siêu sản phẩm nông nghiệp chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế năm 2022.

Theo thống kê, năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây.

Nổi bật là việc chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, hay như việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; các quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên cũng như vật tư đầu vào được áp dụng và nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ được phát triển, nhân rộng...

Thủ tướng: Ngành nông nghiệp trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế - Ảnh 1

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới ngày càng khó đoán định hơn. Hàng loạt cảnh báo liên tục được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế, đặc biệt là ngành hàng gỗ, về đứt gãy chuỗi cung ứng, về rủi ro dao động đột biến giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào…

"Trước thực trạng tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại, quy mô, sản lượng nhiều ngành hàng dần chạm ngưỡng, càng cần phải tìm kiếm cơ hội mới, không gian phát triển mới".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu hàng loạt câu hỏi trăn trở. Có thể làm gì để tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh hơn được không? Cần làm gì để chủ động thích ứng với các khó khăn, thách thức đã được dự báo? Cần làm gì để chuẩn hoá chất lượng, độ an toàn, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ của từng mặt hàng nông sản? Cần làm gì để sớm tháo gỡ thẻ vàng IUU, đưa ngành thuỷ sản hướng tới mục tiêu phát triển bền vững?

Cần làm gì để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thực sự có thể “đi cùng nhau”, chia sẻ lợi ích, san sẻ rủi ro thị trường? Cần làm gì để tri thức đến với người nông dân, để làm nông thực sự là một nghề chuyên nghiệp, được cập nhật kiến thức, huấn luyện kỹ năng, giúp tăng năng suất lao động, tạo ra giá trị cao?

Cần làm gì để đưa khoa học, công nghệ về tận ruộng đồng, giúp người nông dân tiếp cận được những ứng dụng, thiết bị giản đơn, phù hợp, nhưng tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng công nghệ từ thấp tới cao?

Cần làm gì để mỗi lĩnh vực trong ngành nông nghiệp kết nối không gian phát triển mới, dựa trên nền tảng công nghệ số? Cần làm gì để phát huy giá trị của “nông thôn mới”, để nông thôn thực sự là nơi đáng sống, nơi để trở về, trở thành di sản quốc gia?

Thủ tướng thăm gian hàng làng nghề tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thủ tướng thăm gian hàng làng nghề tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay lĩnh vực văn hóa luôn đồng hành, gắn bó mật thiết với lĩnh vực nông nghiệp. Điều này được thể hiện rõ nét trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, yếu tố văn hóa được xem là một trong những tiêu chí quan trọng. Văn hóa hay nông nghiệp đều cùng hướng tới một mục tiêu cao nhất là phát triển nông thôn ngày càng văn minh, nông dân hiện đại, trên cơ sở giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử.

NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG TẠO HƯỚNG ĐI RIÊNG

Tại hội nghị, lãnh đạo của nhiều đại phương đã chia sẻ những kinh nghiệm, những hướng đi riêng trong phát triển nông nghiệp.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu bí quyết và hướng đi riêng của nền nông nghiệp tỉnh là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Nhờ cách làm này, giá trị sản xuất trên mỗi ha đất của Lâm Đồng được nâng lên rất cao. Cá biệt, một số vùng trồng hoa có thể đạt tới 3-4 tỷ đồng/ha.

Lâm Đồng xây dựng được 182 chuỗi liên kết sản xuất an toàn với 18.386 hộ tham gia; sản phẩm tiêu thụ qua chuỗi đạt hơn 12% sản lượng nông sản toàn tỉnh, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng đạt khoảng 45%. Tỷ lệ diện tích canh tác được tưới 66%; trong đó, diện tích tưới tiết kiệm đạt 38.500 ha. Đến đầu năm 2022, tỷ lệ diện tích sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha/năm xuống còn 16,5%. 98% số xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh thông tin: Tỉnh Quảng Ninh đang tập trung nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, phát triển làng nghề, nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, phấn đấu công nhận thêm 50 sản phẩm OCOP, nâng số sản phẩm OCOP 600 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, tập trung thực hiện thành công Đề án nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh nuôi biển theo hướng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, cho biết năm 2022, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp tỉnh tăng 5,95%, là mức tăng trưởng cao nhất của địa phương. Đặc biệt, 37 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

“Với diện tích hơn 800 ha trồng chè, một trong những mô hình nổi bật của Yên Bái đó là phát triển vùng chè Shan Tuyết Suối Giàng gắn với du lịch sinh thái. Thông qua mô hình này, tỉnh đã phát huy những thế mạnh về du lịch trải nghiệm để thu hút khách du lịch. Qua đó, năm 2022, số lượng khách du lịch đến với Yên Bái đã tăng gấp 2 lần so với năm 2021. Cụ thể là 1,5 triệu lượt khách”, ông Nguyễn Thế Phước chia sẻ.

Ông Phước đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có hướng dẫn việc phát triển dược liệu dưới tán rừng và cho thuê dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái để qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

 CÀNG KHÓ KHĂN, CÀNG SÁNG TẠO

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao thành quả của ngành nông nghiệp trong năm 2022, nhấn mạnh con số 3,36% là mức tăng trưởng cao nhất của nông nghiệp Việt Nam những năm vừa qua trong một hoàn cảnh khó khăn.

“Qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, giúp người dân ‘đủ ăn đủ mặc’, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Không những thế, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản còn đạt hơn 53 tỷ USD, qua đó đóng góp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả”, Thủ tướng khẳng định.

“Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải triển khai nhanh hơn. Các địa phương phải chủ động phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cao năng suất lao động, gia tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, chống lãng phí, tiêu cực, đi đôi với xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại của ngành nông nghiệp trong năm 2022. Đó là: tăng trưởng chưa bền vững; kiểm soát thẻ vàng IUU chưa dứt điểm; một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ chưa nhiều; còn chênh lệch về chất lượng phát triển nông thôn mới và sản phẩm OCOP; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số công trình nông nghiệp tại Nghệ An, Hà Nam còn chậm; thu nhập cho lao động ngành nông nghiệp chưa cao.

Chỉ đạo các giải pháp cho năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thúc đẩy 3 việc: (i) Xây dựng thương hiệu nông sản; (ii) Quy hoạch vùng nguyên liệu cần phù hợp, xứng tầm; (iii) Đẩy mạnh công nghệ, ứng dụng công nghệ số, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Về hoạt động xúc tiến thương mại, Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế theo hướng sâu rộng, hiệu quả; phải chủ động tìm đến các thị trường. Để làm được điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao để tìm thêm những thị trường tiêu thụ mới.

Chu Khôi
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc