Thúc đẩy phát triển ngành thực phẩm Việt thông qua các hợp tác quốc tế
Triển lãm Food & Hotel Vietnam 2022 quy tụ hơn 300 doanh nghiệp, trong đó có hơn 65% là doanh nghiệp nước ngoài đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong thập kỷ qua, Việt Nam được nhìn nhận là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất ở Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng GDP 6 - 7% mỗi năm. Trong bối cảnh này, ngành thực phẩm của Việt Nam cũng là một điểm sáng kinh tếvà đang dần phục hồi kể từ khi kết thúc đợt phong tỏa.

NGÀNH DỊCH VỤ THỰC PHẨM NHIỀU TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam ít chịu áp lực bởi tình trạng lạm phát đang diễn ra trên toàn thế giới. Doanh thu ngành dịch vụ thực phẩm năm 2022 ước tính đạt 21,6 tỷ USD, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm - CAGR (Compound Annual Growth Rate) dự kiến 1,46% trong 5 năm tới.

Trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, các chuỗi thức ăn nhanh quốc tế vẫn là một lĩnh vực phát triển nhanh từ ảnh hưởng của các nước phương Tây và quá trình đô thị hóa ngày càng tăng. Tỷ lệ tiêu dùng thực phẩm phương Tây chiếm khoảng 35% doanh thu, được thúc đẩy bởi các thương hiệu và nhượng quyền thương mại ở nước ngoài. Trong báo cáo gần đây của Bộ Công Thương cho thấy có tổng số 183 thương hiệu nước ngoài đã được cấp phép nhượng quyền thương mại tại Việt Nam. Những thương hiệu này chủ yếu đến từ Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu.

Bên cạnh đó, việc sử dụng ngày càng nhiều các ứng dụng giao đồ ăn và thanh toán trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi đối với thị trường dịch vụ ăn uống. Điều này đẩy mạnh tính cạnh tranh, tiếp cận thị trường đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Với nhiều nguồn lực và tiềm năng phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid - 19, Triển lãm Quốc tế lần thứ 11 về Thực phẩm, Đồ uống, Thiết bị làm bánh, Nhà hàng, Khách sạn và Cung ứng Dịch vụ 2022 (Food & Hotel Vietnam - FHV 2022) tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn -SECC (từ 07 - 09/12/2022) đã quy tụ hơn 300 doanh nghiệp trong nước và thế giới, trong đó có hơn 65% là doanh nghiệp ngoài nước đến từ hơn 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Triển lãm Food & Hotel Vietnam 2022 kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội và cầu nối giá trị cho doanh nghiệp trong ngành. Lần này chúng tôi có 21 nhóm gian hàng quốc tế quy mô lớn với những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu”, ông BT Tee - Tổng Giám đốc công ty Informa Markets Việt Nam cho biết.

Không chỉ vậy, Việt Nam được nhận định là thị trường có mức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống khá mạnh. Thị trường này chiếm tỷ trọng cao, khoảng 35% trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng, đạt 15% GDP và không ngừng tăng trưởng nhanh trong những năm tới. Báo cáo gần đây cho thấy ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026 và Chính phủ lựa chọn đây là một trong những nhóm ngành công nghiệp chủ lực cần được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025-2035.

Nhiều chuyên gia ẩm thực trình diễn các món ăn đặc sắc.

Nhiều chuyên gia ẩm thực trình diễn các món ăn đặc sắc.

Trong khuôn khổ triễn lãm, nhiều sản phẩm tiêu biểu và những màn trình diễn ẩm thực đặc sắc đến từ các đầu bếp tài năng bậc nhất trong nước và quốc tế được trình diễn. Trong đó, có sự trình làng thương hiệu FrieslandCampina Professional - ngành hàng giải pháp thực phẩm mới tại Việt Nam của tập đoàn FrieslandCampina.

“Chúng tôi sẽ cung cấp sữa và các sản phẩm từ sữa đạt chuẩn Châu Âu để các chuyên gia thực phẩm tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê và cảm hứng trong việc tạo ra những món ăn ngon. Việc mang ngành hàng Friescampina Professional đến Việt Nam một lần nữa khẳng định sự cam kết bền vững của tập đoàn trong việc đồng hành cùng người Việt tiếp cận nhiều sản phẩm dinh dưỡng và chất lượng cao cũng như những giải pháp tối ưu nhất”, bà Tạ Thuý Hà, Giám đốc Kinh doanh Cấp cao, tập đoàn Frieslandcampina Việt Nam chia sẻ.

ĐẨY MẠNH HỢP TÁC QUỐC TẾ

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên ảnh hưởng từ Covid - 19, khủng hoảng năng lương và chính trị bất ổn trên thế giới tạo ra nhiều thách thức cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành dịch vụ thực phẩm và khách sạn.

Theo ông H.E Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, thế giới cũng đang đối mặt với những nguy cơ an ninh lương thực toàn cầu. Việt Nam cần tránh những rủi ro không đáng có, điều cần thiết là phải giữ ổn định các mối quan hệ song phương và đa phương, đồng thời nỗ lực tối đa để cho phép thương mại quốc tế lưu thông. Việc cung cấp lương thực và các sản phẩm nông nghiệp phải được đảm bảo cho tất cả những người có nhu cầu.

Đối với lĩnh vực nông sản thực phẩm, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất ở châu Á. Quan hệ thương mại song phương giữa EU và Việt Nam đã có lịch sử lâu đời, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 10/1990, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác chính của EU tại Đông Nam Á. Mối quan hệ đó càng được củng cố khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 01 tháng 08 năm 2020. Kể từ đó, thương mại song phương giữa Việt Nam và EU phát triển mạnh mẽ, đạt gần 50 tỷ Euro vào năm 2021, ngay cả khi phải đối mặt với những hạn chế do Covid - 19 tạo ra.

Không chỉ các nước EU, các nước châu Mỹ như Canada cũng khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á. Đặc biệt, khi trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ năm 2019, Canada đã tiếp cận được quyền miễn thuế xuất khẩu hàng hoá sang các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Điều này giúp cho nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ Canada có giá thành phải chăng khi đến với người tiêu dùng. Thương mại song phương của hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và hải sản đang phát triển mạnh mẽ, đạt gần 1 tỷ USD mỗi năm.

“Canada và Việt Nam sẽ tiến đến kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm giữa 2 nước trong những năm kế tiếp”, đại diện Tổng Lãnh sự quán Canada tại Việt Nam chia sẻ.

Hải Vân
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc