Thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến
Ngành chế biến thực phẩm được dự báo vẫn sẽ gặp những trở ngại trong năm 2023 dù tình hình kinh tế thế giới đang có những phục hồi tích cực...
Để khai thác dư địa, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm này, cần tăng cường xúc tiến xuất khẩu trong khi vẫn phải đáp ứng các quy định khắt khe, chặt chẽ của thị trường nhập khẩu.
Theo Bộ Công Thương, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
Đặc biệt, ngành thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành chế biến thực phẩm Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, trong đó đặt định hướng xuất khẩu đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao với, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng.
Bên cạnh đó, cũng có các ý kiến cho rằng nhiều mặt hàng nông, lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn là sản phẩm thô, chủ yếu được xuất qua đường tiểu ngạch và phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á hay của chính khách hàng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc.
Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhất là xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.
“Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhận định.
Để làm được điều này, ông Phú đề xuất hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò công tác trong hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.
Đồng thời, các sở công thương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất-nhập khẩu cần tận dụng các hội nghị giao ban làm kênh trao đổi nhanh chóng, cụ thể nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất nhập khẩu các mặt hàng tiềm năng và thế mạnh ra thị trường thế giới.
Ông Phú cũng kiến nghị với Bộ Công Thương và đặc biệt các Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ các ngành hàng làm tốt công tác thị trường, thực hiện xuất nhập khẩu hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển ngày càng vững mạnh của nền thương mại Việt Nam.