Thúc đẩy sản xuất công nghiệp ngay từ đầu năm
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2023 giảm 14,6% so với tháng trước.

Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 1/2023 của Bộ Công Thương, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 12/2022 (tháng cao điểm sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán) tiếp tục giảm so với tháng 11/2022, là tháng thứ 2 liên tiếp dưới 50 điểm từ khi mở cửa lại nền kinh tế.

CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP THÁNG 01 GIẢM 14,6% 

Lý giải nguyên nhân suy giảm, Bộ Công Thương cho rằng số đơn hàng, quy mô đơn hàng mới, sản lượng và hoạt động mua hàng của doanh nghiệp đều giảm. Đồng thời, Tết Nguyên đán Quý Mão diễn ra trong tháng 01/2023 nên số ngày làm việc ít hơn 8-10 ngày so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong tháng trước để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nên số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp tháng 01/2023. Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2023 giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tạm dừng sản xuất để nghỉ Tết, chỉ trừ một số doanh nghiệp trong ngành giấy, xi măng, thép, phân, đạm, hóa chất và một số sản phẩm chế biến, bánh kẹo... vẫn duy trì sản xuất một sản lượng nhất định do đặc thù dây chuyền sản xuất phải vận hành liên tục của các ngành này.

Một số doanh nghiệp trong các ngành khác như điện tử, ô tô,... vẫn duy trì vận hành một số bộ phận dây chuyền có tính chất sản xuất liên tục (như dây chuyền sơn tĩnh điện trong các doanh nghiệp ô tô...), tuy nhiên không sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mới. Do đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tháng 01/2023 giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2023 so với cùng kỳ năm trước giảm ở 30 địa phương và tăng ở 33 địa phương trên phạm vi cả nước chủ yếu do tác động tăng, giảm của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện…

Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2023.

Do đó, Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất ngay từ đầu năm, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng và nguồn lao động; tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm công nghiệp để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Vân Phong 1... đi vào vận hành; rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trọng điểm về điện, năng lượng tái tạo; bảo đảm vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả.

8 GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SẢN XUẤT

Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết sẽ thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thứ nhất, triển khai các nội dung về phát triển công nghiệp tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong đó, bao gồm hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng một đạo luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp nền tảng với các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai,… đủ mạnh và triển khai các hoạt động hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045); chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030.

Thứ hai, do hệ thống pháp luật cần có thời gian để chỉnh lý, hoàn thiện, để thay thế cho qui hoạch ngành đã bị bãi bỏ theo Luật qui hoạch, cũng như đáp ứng công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ phát triển ngành, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may – da giày giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp nối kết quả của năm 2022, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược phát triển ngành giấy giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chiến lược ngành ô tô giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài thuộc dự án: Thép Thái nguyên – Giai đoạn 2; Thép Việt Trung và Nhà máy giấy Phương Nam. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành, đặc biệt các là các dự án liên quan đến khai thác, chế biến khoáng sản quy mô lớn, các dự án thép tại Nam Định, Bình Định, Phú Yên.

Thứ tư, phối hợp với Văn phòng Chính phủ để triển khai có hiệu quả quy hoạch khoáng sản nhằm huy động nguồn lực mới cho tăng trưởng, gia tăng năng lực sản xuất, phát triển công nghiệp vật liệu, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phù hợp phục vụ cho sản xuất.

Thứ năm, tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.

Thứ sáu, phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ nghiên cứu, xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với các nhóm hàng hóa số 2.

Thứ bảy, triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch, góp phần giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng các trung tâm kỹ thuật dùng chung phục vụ nghiên cứu đổi mới, hấp thụ và phát triển công nghệ ngành công nghiệp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

Ngoài ra, Cục cũng nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, liên kết với các doanh nghiệp FDI để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu. 

Thứ tám, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cũng như phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng, người tiêu dùng, chú trọng mở rộng và phát triển thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững.

Kim Ngân
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc