Phát triển tổng thể ngành công nghiệp
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 11,0-12,5%/năm.

Theo đó, Chiến lược sẽ huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại. Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Mục tiêu tổng quát được đặt ra là đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; đội ngũ lao động có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.

Mục tiêu cụ thể: tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 7,0-7,5%/năm; giai đoạn 2026-2035 đạt 7,5-8,0%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 11,0-12,5%/năm và giai đoạn 2026-2035 đạt 10,5-11,0%/năm.

Phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 43-44% và năm 2035 chiếm 40-41% trong cơ cấu kinh tế cả nước; tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu/tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 85-88%, sau năm 2025 đạt trên 90%; giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt khoảng 45% tổng GDP, sau năm 2025 đạt trên 50%.

Chỉ số ICOR (Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) công nghiệp giai đoạn 2011-2025 đạt 3,5-4,0%; giai đoạn 2026-2035 đạt 3,0-3,5%; hệ số đàn hồi năng lượng/GDP năm 2015 đạt 1,5; năm 2020 đạt 1,0 và đến năm 2035 duy trì ở mức 0,6-0,8, tiệm cận với các nước trong khu vực.

Đối với Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam, tập trung vào một số ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; khuyến khích phát triển dân doanh, đầu tư nước ngoài; thúc đẩy phát triển bền vững khu vực kinh tế ngoài nhà nước; chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển nguồn nhân lực công nghiệp là điều kiện quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển công nghiệp theo các chuẩn mực về môi trường, tiến tới công nghệ xanh.

Về quy hoạch ngành công nghiệp, sẽ có 10 ngành được tập trung xây dựng lại là cơ khí-luyện kim; hóa chất; điện tử, công nghệ thông tin; dệt may-da giày; chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; điện; than; dầu khí…

Quy hoạch cũng đưa nhiều giải pháp để thực hiện, các giải pháp được chia thành giải pháp ngắn hạn và giải pháp dài hạn. Các nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp; tăng cường điều phối theo vùng lãnh thổ, phân cấp hợp lý trong quản lý nhà nước về công nghiệp; tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế được đưa lên hàng đầu trong các nhóm giải pháp ngắn hạn.

Về dài hạn, quy hoạch đưa ra 7 nhóm giải pháp về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường và sản phẩm, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hợp tác liên vùng và phối hợp phát triển, đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp nông thôn.

Nhằm thực hiện thành công Chiến lược và Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp theo đúng quan điểm, mục tiêu, đường lối của Đảng, Chính phủ và trong bối cảnh thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng một số Chiến lược và Quy hoạch ngành cụ thể, như: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch Điện 8); Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Định hướng phát triển ngành dầu khí theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Quy hoạch điện 8

Theo Tờ trình số 7194/TTr-BCT của Bộ Công Thương ngày 11/11/2022 trình lên Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch điện 8, cơ cấu nguồn điện đã có những thay đổi đáng kể so với Tờ trình 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021 (thời điểm lập Quy hoạch).

Cụ thể, đến năm 2030, dự kiến tổng công suất các nhà máy điện khoảng 121.757-145.989 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát). Trong đó, thuỷ điện 27.353-28.946 MW (tỷ lệ 19,8-22,5%); nhiệt điện than 30.127-36.327 MW (20,6-29,8%); nhiệt điện khí trong nước và LNG 30.330-39.430 MW (24,9-27%); năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) 21.871-39.486 MW (18-27%); nhập khẩu điện 4.076-5.000 MW (3,3-3,4%).

Định hướng đến năm 2045, ước tổng công suất các nhà máy điện khoảng 368.461-501.608 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát). Trong đó, thuỷ điện chiếm tỷ lệ 7,2-9,7%; nhiệt điện than 0 MW; nhiệt điện sử dụng sinh khối/amoniac chiếm tỷ lệ 5,1-7,8%; nhiệt điện khí trong nước từ 1,6-2,1%; nhiệt điện LNG chuyển chạy hoàn toàn bằng hydro chiếm tỷ lệ 4,2-4,9%; năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) chiếm tỷ lệ từ 54,9-58,9%; nhập khẩu điện (2,2-3%).

Sau gần 2 năm với 7 lần chỉnh sửa, Quy hoạch điện 8 vẫn đang chờ được Chính phủ phê duyệt.

Định hướng phát triển ngành dầu khí

Đứng trước yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, trên cơ sở Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ Công Thương đã triển khai nghiên cứu, xây dựng “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Trong đó, riêng đối với ngành dầu khí, mục tiêu đề ra là tăng sản lượng khai thác dầu thô và khí; phát triển thị trường khí và xây dựng cơ sở hạ tầng cho phân phối và nhập khẩu khí; sản lượng sản phẩm xăng dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng; đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 12-15 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 20 tỷ m3 vào năm 2045.

Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng định hướng phát triển cho từng lĩnh vực của ngành dầu khí, bao gồm lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp khí, chế biến dầu khí; vận chuyển, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí.

Với các định hướng phát triển rõ ràng, trong thời gian tới ngành dầu khí sẽ tiếp tục phát triển đồng bộ, toàn diện và hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Chiến lược.

Để có đủ cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng, các chuyên gia, nhà khoa học đối với hồ sơ Dự thảo Chiến lược, bao gồm: Báo cáo tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý đối với Dự thảo Chiến lược; các Dự thảo: Báo cáo thuyết minh Chiến lược, Báo cáo ĐMC của Chiến lược, Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược.

Huyền Vy
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc