Thương mại điện tử là “đường đi” ngắn nhất để sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa vươn ra thế giới
Mật hoa dừa Sokfarm của Trà Vinh Farm do cô gái Khmer thành lập là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đạt giải thưởng ASEAN Business Awards hạng mục Inclusive Business – Doanh nghiệp phát triển bao trùm...
Tại diễn đàn kinh tế “Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, 5 năm triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.
NHIỀU SẢN PHẨM ĐÃ THÀNH CÔNG TRÊN THỊ TRƯỜNG
Không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản của khu vực miền núi, hải đảo, mà còn hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc… đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn.
Điển hình, sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm của Công ty TNHH Trà Vinh Farm đã thực sự thành công tại thị trường trong nước và quốc tế.
Thạch Thị Chal Thi - cô gái Khmer là 1 trong 6 cá nhân được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam tháng 9/2022 vừa qua. Mật hoa dừa Sokfarm của Trà Vinh Farm do Chal Thi thành lập là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đạt giải thưởng ASEAN Business Awards hạng mục Inclusive Business – Doanh nghiệp phát triển bao trùm.
Chal Thi chia sẻ, ý niệm khởi nghiệp ngành mật hoa dừa xuất phát từ việc mong muốn giải cứu cho vườn dừa hơn 2 ha của gia đình sau khi trồng 5 năm có trái nhưng không bán được, thương lái ép giá chỉ còn 20k/12 trái. Tính ra 1.200 trái dừa, chỉ thu được 2 triệu đồng.
Vốn học Thạc sỹ chuyên ngành Công nghệ Thực Phẩm (Đại học Bách khoa TP.HCM) nên đã thôi thúc Chal Thi tìm một hướng đi mới cho cây dừa quê hương, đó là sản xuất mật hoa dừa. Ngành nghề mật hoa dừa giúp người nông dân Trà Vinh gia tăng giá trị kinh tế từ 3 -5 lần, thu nhập ổn định theo tháng và đặc biệt, tạo thêm việc làm cho hơn 33 gia đình.
Đặc biệt Chal Thi tự tin giới thiệu với bạn bè quốc tế mật hoa dừa Sokfarm, một sản phẩm từ tài nguyên bản địa, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và phù hợp với thị trường. Sokfarm đặt mục tiêu phát triển Sokfarm đến năm 2030 sẽ kết nối với 1000 nông hộ trong khu vực.
Chal Thi chia sẻ, có được thành công như hôm nay là do ngay từ đầu Sokfarm đã xác định được giá trị cốt lõi và định hướng chuẩn hoá từ khâu quy trình sản xuất, bộ nhận dạng và văn hoá doanh nghiệp được đồng bộ.
Sok là một từ trong tiếng Khmer có nghĩa là hạnh phúc và Sokfarm là nông nghiệp hạnh phúc. Giá trị của doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh cũng đã được đưa vào tên của thương hiệu rất rõ ràng. Ở Sokfarm, Chal Thi muốn tạo ra một chuỗi giá trị nông nghiệp hạnh phúc. Mật hoa dừa Sokfarm là sản phẩm mang đến niềm tự hào và hạnh phúc cho các nông hộ, nhà sản xuất, nhà bán hàng.
Với kinh nghiệm của Sokfarm, là một doanh nghiệp về chế biến nông sản, Chal Thi đã chọn xây dựng thương hiệu bắt nguồn từ văn hoá địa phương, về những lợi thế vùng miền, kết hợp với công nghệ để khẳng định chất lượng và tính tác động xã hội của mô hình.
“Ở Sokfarm, Chal Thi chọn định hướng truyền thông chân thật, vì xây thương hiệu là một quá trình dài, không nhanh được. Nên với định hướng chân thật, sẽ giúp Sokfarm luôn giữ được cái hồn của doanh nghiệp và giúp mình vui hơn, hạnh phúc hơn trong quá trình làm việc”, Chal Thi vui mừng cho biết.
RÚT NGẮN “ĐƯỜNG ĐI” QUA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Ông Toàn Trịnh, Giám đốc Khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam đánh giá, lợi thế của Việt Nam là các sản phẩm gia đình, thủ công, nông sản, thân thiện với môi trường, có thiết kế độc đáo và khác biệt so với các nước khác.
Có nhiều “con đường” để các sản phẩm này chọn đi ra thị trường nước ngoài. Song trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay, thương mại điện tử được cho là “đường đi” ngắn nhất.
Đại diện Amazon cho rằng, thương mại điện tử là "sân chơi bình đẳng", mang đến cơ hội kinh doanh cho tất cả. Chợ online không chỉ là lãnh địa dành cho các "ông lớn" mà ngay cả những nhà bán hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ giờ đây cũng có thể nắm bắt để khởi nghiệp thành công, đưa sản phẩm nội địa vươn tầm thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh, những nhà bán hàng Việt còn đang e ngại trước sự rộng lớn của thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào thương mại điện tử xuyên biên giới, vẫn tồn tại những bất cập đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Khảo sát của Amazon cho thấy, 80% doanh nghiệp thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài. 85% doanh nghiệp gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. Bên cạnh đó, 81% doanh nghiệp thừa nhận họ chưa được chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài.
Để thành công trong xuất khẩu xuyên biên giới, đại diện Amazon cho rằng, sản phẩm phải thật chất lượng với đầy đủ cam kết về nguồn gốc xuất xứ, thành phần… sẽ giúp tăng uy tín, thu hút thêm nhiều khách hàng cho thương hiệu.
Phần còn lại gồm công nghệ, công cụ và dữ liệu đã có sự hỗ trợ từ các nền tảng, giúp nhà bán hàng và doanh nghiệp quảng bá, đưa thương hiệu chạm đến những khách hàng cách xa họ hàng nghìn km.
Nhằm hỗ trợ các sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa “bay” xa hơn, ông Hải thông tin, Bộ Công Thương sẽ tập trung nghiên cứu phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sản xuất tại các khu vực này.
Đồng thời, chú trọng tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa. Tiếp tục kết nối, đưa hàng hóa là lợi thế của các khu vực này vào các kênh phân phối trên thị trường trong nước và ngoài nước.