Tốc độ phục hồi của ngành gỗ diễn ra nhanh hơn dự báo
46% số doanh nghiệp ngành gỗ cho biết doanh thu năm 2021 sẽ không thay đổi so với năm 2020, trong khi có 37% số doanh nghiệp dự tính giảm doanh thu, và chỉ có 17% số doanh nghiệp cho rằng sẽ tăng được doanh thu.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp chế biến gỗ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) vừa được công bố tại hội nghị trực tuyến "Doanh nghiệp ngành gỗ nỗ lực phục hồi trong bối cảnh bình thường mới", do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viforest tổ chức ngày 29/10/2021.
XUẤT KHẨU SẢN PHẨM GỖ TĂNG HƠN 30%
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành gỗ Việt Nam, cả về chuỗi cung xuất khẩu và chuỗi cung nhập khẩu. Trung tâm của dịch nằm ở các tỉnh Đông Nam Bộ, bao gồm các tỉnh: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Đây cũng chính là trung tâm chế biến gỗ của cả nước.
Tuy nhiên, đến thời điểm này Dịch Covid-19 đã cơ bản dần được kiểm soát ở các tỉnh, thành phố; nhiều địa phương đã từng bước mở cửa và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh. “Các tín hiệu và kết quả thực tế đã cho thấy, tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh hơn chúng ta dự đoán trong 2-3 tháng trước đây. Đây là tín hiệu rất tích cực cho ngành”, ông Đỗ Xuân Lập nhận định.
TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trends, cho hay mặc dù kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng tăng so với 9 tháng của 2020, tuy nhiên mức tăng trưởng này chủ yếu là do kim ngạch từ nửa đầu của 2021 mang lại.
Diễn biến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ qua từng tháng của năm 2021
Trong 9 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 10,76 tỷ USD tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên trong tháng 9 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt 691,49 triệu USD giảm 14,1% so với tháng 8/2021 và giảm 38,3% so với tháng 9/2020. Thàng 10 tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng ước tính kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đã phục hồi về mức tương đương với tháng 10/2020.
Trong 3 quý, ngành gỗ có 6 nhóm mặt có giá trị xuất khẩu cao, gồm: đồ gỗ (chiếm 45%), ghế ngồi (chiếm 25%); dăm gỗ (chiếm 12%), gỗ dán/gỗ ghép (chiếm 7%); viên nén (chiếm 3%) và ván bóc (chiếm 1%), |
Trong đó, xuất khẩu đồ gỗ đạt 4,83 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ; riêng mặt hàng ghế ngồi đạt 2,68 tỷ USD trong 9 tháng, tăng 55,8%.
Xuất khẩu dăm gỗ trong 3 quý đạt 10,49 triệu tấn, đem về 1,33 tỷ USD, tăng 19,4% về lượng và 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Với mặt hàng viên nén, lượng xuất 2,63 triệu tấn, đạt 299,60 triệu USD, tăng 18,3% về lượng và 23% về giá trị. Ở mặt hàng gỗ dán và gỗ ghép, xuất khẩu 3 quý là 2,05 triệu m3, tương đương 760,53 triệu USD, tăng 38,0% về lượng và 49,1% về giá trị. Với mặt hàng ván bóc, xuất khẩu 9 tháng đạt 1,579 triệu m3, tương đương 151,65 triêu USD, tăng 298,8% về lượng và 173% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Diễn biến xuất khẩu theo từng sản phẩm của ngành gỗ
Đề cập về thị trường xuất khẩu, TS. Tô Xuân Phúc cho hay, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 6,50 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ 2020. Các thị trường tiếp theo gồm: Trung Quốc đạt 1,13 tỷ USD, tăng 23,4%; Nhật Bản đạt 1,01 tỷ USD, tăng 11,7%; EU đạt 438,3 triệu USD, tăng 22,3%; Hàn Quốc đạt 650,1 triệu USD, tăng 10,7%; Anh đạt 193,44 triệu USD, tăng 23,9%; Canada đạt 174,75 triệu USD, tăng 21,3%; Úc đạt 110,61 triệu USD, tăng 3,3%.
Trong 9 tháng của năm 2021 có 3.254 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, trong đó có 2.583 doanh nghiệp nội và 671 doanh nghiệp FDI. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm các doanh nghiệp nội địa đạt 5,197 tỷ USD, chiếm 48,1%; trong khi giá trị của nhóm doanh nghiệp FDI đạt 5,58 tỷ USD, tương đương 51,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Giá trị xuất khẩu ngành gỗ sang một số thị trường chính
NHIỀU GIẢI PHÁP PHỤC HỒI SẢN XUẤT
Theo Viforest, Hiệp hội này đã tiến hành khảo sát nhanh các doanh nghiệp ngành gỗ trong thời gian từ 10 – 21/10/2021, kết quả cho thấy: có 46% số doanh nghiệp ngành gỗ cho hay doanh thu năm 2021 sẽ không thay đổi so với năm 2020, trong khi có 37% số doanh nghiệp dự tính giảm doanh thu, và chỉ có 17% số doanh nghiệp cho rằng sẽ tăng doanh thu so với năm trước.
Các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp để phục hồi sản xuất. Đó là, tinh giảm bộ máy, giảm chi phí cố định, đầu tư nâng cấp máy móc. Đồng thời, có chính sách tốt về hỗ trợ giữ chân, thu hút người lao động tốt bằng các việc: xây dựng nhà ở chô công nhân, chế độ lương, thưởng. Đối với phòng chống dịch, áp dụng nghiêm ngặt quy định của cơ quan chức năng, tạo môi trường lao động an toàn, áp dụng các biện pháp y tế phù hợp.
"Các doanh nghiệp đã và đang tích cực, chủ động để thích ứng và đón các cơ hội lớn và chủ động phương án để thích nghi với điều kiện mới, từ việc giữ chân người lao động, tìm kiếm ổn định nguồn cung nguyên liệu đến cả việc ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để giảm thiểu phụ thuộc nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm". Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest. |
"Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước một số khó khăn lớn, đặc biệt về khía cạnh cạnh tranh, như: Sản phẩm ở Việt Nam sản xuất ra có thể có giá thành cao hơn so với sản xuất tại cơ sở tại chính quốc tiêu thụ, hay sản xuất tại các nước láng giềng ở châu Âu. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có những chiến lược mới về thị trường, chủng loại sản phẩm, công nghệ và lao động”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest nhấn mạnh.
Tại hội nghị, cộng đồng các doanh nghiệp ngành gỗ đưa ra 3 kiến nghị lên Chính phủ và các Bộ ngành. Đối với ngành y tế, cần có quy trình hướng dẫn phòng dịch phù hợp, bao gồm cả việc xử lý nếu có F0, cần có quy trình thống nhất từ trung ương tới địa phương.
Về chính sách lao động, đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn lao động, hỗ trợ công nhân.
Về đảm bảo nguyên liệu, cần có giải pháp ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển rừng trồng gỗ lớn. Đồng thời, thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa, không đứt gãy trong khâu vận chuyển
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định, trong thời gian vừa qua, toàn bộ hoạt động đời sống, xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn như: các chính sách về gia hạn thời hạn nộp thuế; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm lãi suất tín dụng; hỗ trợ tiền cho nhiều đối tượng người lao động…
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP thống nhất chỉ đạo công tác phòng chống dịch theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tạo điều kiện chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch.
“Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp ngành gỗ cùng vượt qua những khó khăn, thách thức, chung tay xây dựng và phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản bền vững, có uy tín và thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.