Tỷ lệ doanh nghiệp châu Âu muốn chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc cao nhất thập kỷ
Thượng Hải, thành phố lớn nhất của Trung Quốc, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 bùng phát phức tạp. Ảnh: AFP

Hơn 50% doanh nghiệp Mỹ đã trì hoãn hoặc cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc do đợt bùng phát Covid-19 gần đây tại quốc gia 1,4 tỷ dân. Số liệu từ kết quả khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc công bố ngày 9/5.

Cuộc khảo sát được Phòng Thương mại Mỹ tiến hành từ ngày 29/4 đến ngày 5/5 với 121 công ty Mỹ, trong đó tập trung đánh giá các tác động chi tiết của việc phong tỏa chống dịch ở thành phố Thượng Hải đến các công ty này.

Thượng Hải - trung tâm tài chính và thương mại hàng đầu Trung Quốc - đã bị phong tỏa từ cuối tháng 3 trong nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Có tới 58% đơn vị tham gia khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ cho biết họ đã hạ dự báo doanh thu năm 2022 tại thị trường Trung Quốc và tỷ lệ này cao hơn so với mức 54% được khảo sát tháng trước. Gần một nửa số doanh nghiệp Mỹ được khảo sát cho hay lao động người nước ngoài kém mặn mà hoặc thậm chí từ chối chuyển đến làm việc tại Trung Quốc vì chính sách zero-Covid của quốc gia này.

"Chúng tôi hiểu Trung Quốc chọn ưu tiên sức khỏe và an toàn hơn hết, nhưng các biện pháp chống dịch hiện nay đang làm suy giảm niềm tin của các công ty Mỹ đối với Trung Quốc", ông Colm Rafferty, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc nêu trong công bố kết quả khảo sát.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết thêm: "Các công ty thành viên của chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc cần đạt được sự cân bằng tối ưu hơn giữa ngăn chặn đại dịch, phát triển kinh tế và mở cửa đất nước".

Các doanh nghiệp châu Âu cũng trong trạng thái tương tự. Có tới 23% doanh nghiệp châu Âu đang cân nhắc chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc và tỷ lệ này cao nhất trong thập kỷ qua, theo kết quả khảo sát nhanh được Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc công bố vào cuối tuần trước.

"Trung Quốc phải thay đổi chiến lược chống dịch", ông Jörg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc kêu gọi trên đài CNN.

"Chúng tôi đã có hai năm tốt đẹp. Nhưng bây giờ đã đến lúc phải hành động khác đi. Chính sách zero - Covid có thể không phải là công cụ phù hợp lúc này", ông Jörg Wuttke nói.

Ông cũng lưu ý hầu hết các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc đều khả quan trong tháng 1 khi cách tiếp cận chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc đã mang lại thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 vào thời điểm đó và nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Nhưng biến thể lây lan nhanh Omicron đã khiến chính sách zero - Covid của Bắc Kinh gặp thử thách lớn nhất và các đợt phong tỏa trên diện rộng đã khiến hoạt động kinh tế ở các thành phố lớn bị đình trệ. Theo tổng hợp mới nhất của đài CNN, ít nhất 31 thành phố ở Trung Quốc đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần.

Trong tháng 4, lĩnh vực dịch vụ của quốc gia 1,4 tỷ dân đã suy giảm với tốc độ nhanh kỷ lục khi nước náy áp dụng các đợt phong tỏa chống dịch Covid-19, làm ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nhỏ. Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc cũng thu hẹp mạnh, kéo hãm tăng trưởng kinh tế.

"Chúng tôi đã thấy những thiệt hại đối với hoạt động kinh doanh của mình", Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết, đồng thời lưu ý rằng nhiều công ty đang tạm dừng đầu tư vì tình hình chống dịch ở Trung Quốc.

Cuộc khảo sát nhanh của Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cũng cho thấy có đến 78% trong số 372 đối tượng được hỏi cho biết họ đánh giá Trung Quốc là một điểm đến đầu tư kém hấp dẫn hơn vì những biện pháp phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt.

Ông Jörg Wuttke cho rằng: "Điều thực sự gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc là thiếu tầm nhìn". "Các quan chức Trung Quốc có nhận thức rõ ràng về thiệt hại kinh tế [do chính sách Covid gây ra]. Nhưng về cơ bản họ đang gặp khó khăn để thay đổi câu chuyện này", đại diện Phòng Thương mại châu Âu nhận định.

Lê Quân
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc