VCCI: Tỷ lệ doanh nghiệp “mất tiền mà được việc” giảm
Việc chi trả chi phí không chính thức có thể không quyết định được công việc sẽ đạt kết quả như doanh nghiệp mong đợi, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Sáng 4/4, VCCI công bố báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022, với những kết quả đáng lưu ý để lý giải cho câu hỏi vẫn luôn được đặt ra khi nhắc đến khu vực kinh tế tư nhân, đó là tại sao doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng làm ăn chộp giựt.
"Để doanh nghiệp đầu tư dài, đầu tư lớn thì họ cần dự báo được sự thay đổi của quy định pháp luật. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân đang lo ngại rủi ro pháp lý”, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế, Ban Pháp chế (VCCI) thông tin khi công bố các kết quả của Báo cáo.
Viện dẫn thêm những khảo sát doanh nghiệp từ PCI, ông Đức cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp có thể dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương có xu hướng giảm dần. 10 năm trước, vào năm 2013, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được là khoảng 14,29%, nhưng vài năm gần đây, tỷ lệ chưa đến 5%.
Tình hình này cũng ở xu hướng tương tự với việc dự đoán việc thực hiện của tỉnh đối với các quy định pháp luật trung ương, tuy tỷ lệ dự đoán được cao hơn một chút, khoảng trên 6%. Trong số này, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa không dự đoán được chiếm đa số.
Tuy nhiên, cũng có điểm đang lưu ý là tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng công việc đạt kết quả mong đợi khi trả chi phí không chính thức đang giảm dần. 10 năm trước, tỷ lệ tin vào việc "mất tiền được việc" là trên 63%, vài năm gần đây, tỷ lệ này còn khoảng 55,2%.
Không bình luận nhiều về xu hướng này, song VCCI cho rằng, rủi ro pháp lý cao sẽ đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh trở nên khó khăn. Vì trong quá trình phát triển, không thể đòi hỏi một hệ thống pháp luật không bao giờ thay đổi.
Trong sự rủi ro này, theo VCCI, doanh nghiệp tư nhân trong nước nhạy cảm với rủi ro pháp lý hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nhà nước thường có lợi thế trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước cả trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Do đó, các doanh nghiệp nhà nước ít phải đổi mặt với rủi ro thay đổi chính sách đột ngột hoặc sự thiếu nhất quán trong thực thi pháp luật từ phía chính quyền. Các doanh nghiệp FDI cũng thường được bảo hộ theo các cam kết bảo hộ đầu tư của Việt Nam...
Trong phần phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cũng chia sẻ quan điểm, thượng tôn pháp luật là yêu cầu bắt buộc nhưng cách ban hành, cách thực thi thế nào là điều vô cùng quan trọng.
“Doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn như những con tàu, không thể phanh gấp được, nên giảm rủi ro pháp lý chính là tạo niềm tin về việc không có thay đổi đột ngột, cực đoan trong ban hành và thực thi chính sách”, ông Công nói.
Về giải pháp, VCCI tiếp tục nhấn mạnh đến việc tăng cường tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các quy hoạch và các cam kết quốc tế có liên quan; thực hiện tốt hơn công tác cung cấp thông tin chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp...
Đặc biệt, theo VCCI, đảm bảo nguyên tắc không hồi tố bằng quy định chuyển tiếp hợp lý cũng như các biện pháp bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật.
“Câu chuyện các doanh nghiệp karaoke phải đóng cửa hàng loạt do sự thay đổi đột ngột trong thực thi chính sách có thể là một ví dụ điển hình”, ông Công chia sẻ.
Năm 2022, theo tổng hợp của VCCI, có 636 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, trong đó có 15 luật, pháp lệnh; 131 nghị định, 28 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 462 thông tư. Số văn bản giảm so với những năm trước, nhưng khối lượng công việc không giảm.
Tuy nhiên, việc chồng chéo, khó dự báo vẫn tiếp tục là vấn đề lớn. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam thẳng thắn, tình trạng "con gà quả trứng" trong quy định pháp luật còn rất nhiều, doanh nghiệp không biết làm gì trước, làm gì sau.
"Có thể nói, riêng lĩnh vực đầu tư bất động sản, có khoảng 12 luật tác động trực tiếp vào các hoạt động trong lĩnh vực này. Vấn đề là, các luật lại đưa ra những ý kiến xử lý không đồng nhất nên các dự án, các doanh nghiệp và các cơ quan hành pháp thụ lý gặp khó: không biết phải xử lý thế nào trong những trường hợp chồng chéo này", ông Hiệp tiếp tục đặt vấn đề khi nhắc đến quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt của Luật Quy hoạch đô thị, trong khi Luật Đầu tư 2020 lại quy định dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt...