Vì sao Thanh Hóa dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút vốn FDI?
Bốc xếp hàng hóa tại Cảng quốc tế Nghi Sơn, Thanh Hóa

Tính đến hiện tại, Thanh Hóa đang là địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với 164 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 14,57 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký của cả khu vực.

Sau Thanh Hoá, Hà Tĩnh có 79 dự án, vốn đầu tư 11,74 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đăng ký. Quảng Nam ở vị trí thứ 3 với 223 dự án, vốn đăng ký 6,07 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đăng ký...

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Nhiều lĩnh vực thiết yếu, đang là xu hướng phát triển hiện nay như công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu, sắt thép... đều có mặt ở khu vực miền Trung, nhất là tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và một số khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Đây là những dự án có sự đóng góp lớn cho ngân sách của Thanh Hóa, góp phần giúp địa phương này giải quyết bài toán lao động hồi hương do ảnh hưởng của dịch bệnh.

VÌ SAO THANH HÓA DẪN ĐẦU KHU VỰC?

Thành công này được đánh giá là kết quả của quá trình tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực. Đặc biệt, với việc Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã tạo ra xung lực, được ví như “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

Cảng nước sâu Nghi Sơn

Cảng nước sâu Nghi Sơn

Điều kiện kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư tại Thanh Hóa đang được cải thiện rõ rệt. Trong giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng GRDP bình quân của Thanh Hóa ước đạt 12,5%; trong đó, năm 2019, tăng trưởng GRDP đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 2 cả nước. 

Từ năm 2016 đến nay, đã có 1.122 dự án đầu tư trực tiếp vào Thanh Hóa, với tổng vốn đăng ký 110.000 tỷ đồng và 3,85 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa hiện đang đứng thứ 8 cả nước, với 129 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,2 tỷ USD.

Đột phá rõ rệt trong tăng trưởng của tỉnh là lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu, với giá trị tăng trưởng bình quân 15%/năm, đưa Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu về phát triển công nghiệp và xuất khẩu ở khu vực Bắc Trung bộ. Với việc đưa một số cơ sở công nghiệp mới, có quy mô lớn đi vào hoạt động như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn I, Nhà máy Xi măng Long Sơn, Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Cẩm Thủy I, Nhà máy Xi măng Công Thanh, các dự án may mặc, giày da... đã tăng đáng kể năng lực công nghiệp của tỉnh những năm gần đây.

CƠ CHẾ ƯU ĐÃI HẤP DẪN

Thanh Hoá có vị trí chiến lược giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không: có cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng khai thác trên 100 triệu tấn hàng/năm và tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 DWT đóng vai trò là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung bộ cũng như cả miền Bắc; Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, hiện đã có các tuyến bay nội địa đến nhiều địa bàn trọng điểm về kinh tế, du lịch trong nước; có cửa khẩu Na Mèo liên thông với nước bạn Lào và các nước ASEAN.

Khu Kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha là một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam đang được vận hành với cơ chế ưu đãi đặc biệt, hấp dẫn nhất cả nước.

Cảng hàng không Thọ Xuân
Cảng hàng không Thọ Xuân

Thanh Hóa cam kết sẽ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào dự án, bao gồm: Giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc; đồng thời tỉnh sẽ hỗ trợ đảm bảo an tinh trật tự trong thời gian thực hiện dự án.

Các dự án đầu tư vào Thanh Hóa nhận được nhiều ưu đãi ưu đãi về tiền thuê đất; Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; Ưu đãi về thuế xuất khẩu, nhập khẩu; Hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá bằng container qua cảng Nghi Sơn.

Hiện địa phương này cũng đang thực hiện kết nối các tuyến đường như đường bộ cao tốc ven biển; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cầu cảng, cảng biển Nghi Sơn với 62 cảng kể cả cảng container và cảng chuyên dụng.

UBND tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ việc vận chuyển qua cảng Nghi Sơn. Mỗi chuyến tàu cập cảng Nghi Sơn được hỗ trợ 200 triệu; doanh nghiệp vận chuyển mỗi container 20 fit trở lên được hỗ trợ từ 33 - 45 USD. Hải quan Thanh Hoá sẽ làm tận nơi, trực tiếp, nhanh gọn và có thể trực tuyến.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành danh mục 89 dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm trong giai đoan đoạn rừ nay đến năm 2025 trên nhiều lĩnh vực kinh tế với tổng mức vốn 36,5 tỷ USD.

Thiên Anh
Nguồn: VEN
Link bài viết gốc