Xuất khẩu dệt may vẫn tự tin với mục tiêu 42 tỷ USD
Sản phẩm dệt may cao cấp vẫn trụ vững dù không đảm bảo 100% như trước đây.

Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang ở giai đoạn khó khăn và chịu áp lực rất lớn. Việc sụt giảm các đơn hàng trong tháng 11 - 12 năm nay và có thể còn kéo dài đến quý 1/2023.

CHỊU NHIỀU ÁP LỰC LỚN

Chia sẻ tại buổi họp báo ngày 18/11, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết, ngành dệt may đang chịu nhiều áp lực lớn. Đó là đơn hàng từ cuối năm nay tới quý I/2023 đang chịu áp lực giảm, tính chung giảm 25-27% do sức mua của toàn cầu giảm. Những đơn vị làm gia công chịu áp lực lớn hơn các doanh nghiệp làm FOB (tự chủ nguyên liệu) do FOB chủ động được thị trường, đầu vào, lãi suất ngân hàng tăng...

Hơn nữa với những đơn vị làm mặt hàng rẻ, giá thấp trước đây thì hầu như từ cuối quý 2 đến giờ này đều hụt đơn hàng ở mức cao. Sản phẩm cao cấp dù không đảm bảo 100% như trước đây nhưng vẫn trụ vững được.

Xuất khẩu dệt may vẫn tự tin với mục tiêu 42 tỷ USD - Ảnh 1

Bên cạnh đó là những khó khăn về lao động. Số lao động trong ngành nghỉ việc có nhưng tỷ trọng thấp. Mức giảm lao động của ngành từ 5-7% - con số này chưa phải là lớn so với ngành da giày, gỗ.

Ngành dệt may xác định lao động là tài sản số 1 - trên cả thiết bị, nhà xưởng, nên những đơn vị giảm đơn hàng hiện đang có những giải pháp xoay xở. Những doanh nghiệp đi bằng hai chân (vừa nội địa vừa xuất khẩu) thì cực kỳ vững vàng, họ vẫn duy trì sự ổn định lao động.

Đơn cử như May Việt Tiến, May 10, An Phước… họ vẫn có chỗ đứng trên thị trường nội địa. Nhiều đơn vị khác xoay xở làm sản phẩm khác như túi xách cho siêu thị… để duy trì được lao động, bởi họ tin tưởng quý 3, 4/2023 thị trường sẽ thay đổi tích cực hơn.

Trước áp lực giảm phát, lạm phát, đồng tiền của các nước mất giá… ngành dệt may đã tìm ra đối sách đa dạng hoá thị trường. Doanh nghiệp đã chuyển đổi từ gia công sang phát triển mẫu, quản trị số, thúc đẩy giải pháp chuỗi cung ứng tự chủ…

Nhờ những giải pháp trên, 10 tháng năm 2022 xuất khẩu dệt may đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021. Đây là nỗ lực cực lớn của ngành.

Cũng trong 10 tháng qua, ngành dệt may đã xuất khẩu vào 66 nước, vùng lãnh thổ. Đây là sự bứt phá của ngành trong phát triển thị trường. Số mặt hàng đang duy trì xuất khẩu từ 47-50 mặt hàng khác nhau.

Trong tổng số kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 38 tỷ USD thì có 29 tỷ USD là quần áo may mặc các loại. Ngoài sản phẩm may mặc, chúng ta đã xuất khẩu đa dạng các mặt hành: vải các loại được 2,13 tỷ USD, sơ xợi 4 tỷ USD, vải không dệt 147 triệu USD…

Thị trường xuất khẩu trọng tâm là Mỹ 13,9 tỷ USD, các nước trong CPTPP khoảng 4,8 tỷ USD, các nước khối EU là 3,63 tỷ USD, Hàn Quốc 2,52 tỷ USD. Đặc biệt, năm nay Trung Quốc cũng là thị trường lớn, với kim ngạch xuất khẩu gần 1 tỷ USD. Trung Quốc là nước nhập khẩu sợi của Việt Nam tương đối lớn, cùng với quần áo sơ mi các loại…

MỤC TIÊU XUẤT KHẨU NĂM 2023 KHOẢNG 45-47 TỶ USD 

Giai đoạn 2023-2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn, ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp.

Dù còn khó khăn, nhưng những dấu hiệu khởi sắc trong năm tới vẫn rõ nét, ngành dệt may hướng mục tiêu xuất khẩu năm 2023 khoảng 45-47 tỷ USD (nếu có thông tin giảm hàng tồn của các nước nhập khẩu lớn, ngành sẽ có điều chỉnh).

Giải thích cơ sở đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 47 tỷ USD năm 2023, ông Giang cho rằng chúng ta có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, là nền tảng tạo giải pháp đa dạng hoá thị trường. Đặc biệt, năm 2023 một số FTA sẽ về đích mức thuế suất bằng 0%, đây chính là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam.

“Khó khăn thì có nhưng chuyển dịch đầu tư từ các nước vào Việt Nam có bứt phá. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường , đa dạng hoá mặt hàng… Bên cạnh đó, chúng ta đã và đang thúc đẩy, chủ động được nguyên phụ liệu trong nước và càng ngày càng tăng. Hiện tỷ lệ nội địa hoá của ngành là 49%, mục tiêu đạt 50-51% giai đoạn 2023-2025.

Ngoài ra, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam.

Đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo (ODM), giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác. Ông Giang phân tích, nếu làm gia công một chiếc áo sơ mi bán chỉ 1 USD nhưng nếu làm FOB bán được 5 USD, làm ODM bán được 7 USD.

Để đạt các mục tiêu đặt ra trong năm 2023, ông Giang cho biết trong bối cảnh hiện nay Vitas cùng với Hiệp hội da giày và Túi xách Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành về việc giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp, tiếp tục tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.

Tiếp tục kiến nghị Bộ Tài Chính, Tổng cục Hải quan cân nhắc bãi bỏ thuế xuất nhập khẩu tại chỗ. Vấn đề này đã được Vitas kiến nghị từ rất lâu nhưng giờ Chính phủ cần nhanh chóng có điều chỉnh.

Đồng thời, với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn như dệt may nên cân nhắc giữ lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì hoạt động, giữ ổn định lao động.

Vũ Khuê
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc