Mỗi năm chi 500 triệu USD nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi
Gỗ châu Phi cũng có nhiều nguồn hợp pháp.

Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ tiến trình VPA tại Việt Nam” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp thực hiện, chiều 8/11/2022, đã diễn ra hội thảo “Tìm hiểu các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ một số nước châu Phi tại Việt Nam”.

Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp Cameroon và Tổ chức Forest Trends…

MỖI NĂM NHẬP KHẨU HƠN 5 TRIỆU M3 GỖ

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIFOREST cho biết sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đòi hỏi ngày càng tăng của nguyên liệu gỗ đầu vào. Nguồn cung gỗ rừng trồng trong nước rất lớn và đang có xu hướng gia tăng, vượt 30 triệu m3/năm.

Tuy nhiên, nguồn cung gỗ trong nước vẫn không đủ cung cấp cho ngành đang mở rộng. Do đó, gỗ nhập khẩu, đặc biệt là gỗ tròn (HS 4403) và gỗ xẻ (HS 4407) đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của ngành.

"Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn. Châu Phi đã trở thành nguồn cung cấp gỗ nhiệt đới quan trọng của Việt Nam, cung cấp khoảng 1,3 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ, trị giá hơn nửa tỷ USD mỗi năm".

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Đáng chú ý, gỗ nhập khẩu từ châu Phi ngày càng được nhân rộng, bao gồm các nguồn từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các nước có khối lượng gỗ lớn nhất xuất khẩu sang Việt Nam là Cameroon, Congo, Kenya, Nam Phi, Nigeria và Ghana… Lượng gỗ tròn từ châu Phi xuất khẩu sang Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất, tới 70% và Cameroon là quốc gia xuất khẩu gỗ xẻ lớn nhất cho Việt Nam trong những năm gần đây.

Theo VIFOREST, trong số các loại gỗ tròn được các doanh nghiệp nhập khẩu về, thì các loại lim, gõ, xoan đào và hương là 4 loài gỗ tròn được nhập khẩu nhiều nhất từ Châu Phi, trong đó gỗ lim tròn nhập khẩu hàng năm lên đến 250 nghìn m3, giá trị hàng trăm triệu USD.

Ông Ngô Sỹ Hoài cho biết Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA FLEGT) với Liên minh châu Âu vào năm 2018. Hiệp định nhằm đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đều hợp pháp. Vì vậy, kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu, bao gồm cả gỗ nhập khẩu từ châu Phi, là một yếu tố trọng tâm.

Tuy nhiên tại Việt Nam, thông tin liên quan tới các yêu cầu về tính hợp pháp tại các quốc gia khai thác gỗ ở châu Phi còn hạn chế. Hơn nữa, có rất ít thông tin bằng tiếng Việt về các quy tắc và quy định quản lý hoạt động khai thác gỗ, đặc nhượng rừng, thực thi pháp luật và các tác nhân tham gia vào chuỗi cung ứng.

“Thông tin ít ỏi có thể cản trở sự tuân thủ của người tham gia và từ đó tạo ra những rủi ro về tính hợp pháp của các sản phẩm nhập khẩu. Điều này cho thấy nhiều thách thức đối với việc triển khai hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp tại Việt Nam trong tương lai. Hiểu biết về các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ châu Phi là chìa khóa để thực thi Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam”, ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.

NHIỀU NƯỚC CHÂU PHI CŨNG TUÂN THỦ GỖ HỢP PHÁP

Ông Ngomin Anicet, Cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Lâm nghiệp và Động vật hoang dã Cameroon cho biết cũng giống như Việt Nam, Cameroon đã ký Hiệp định VPA/FLEGT với Ủy ban châu Âu (EC).

VPA có hiệu lực trong vòng 7 năm kể từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và sẽ được gia hạn bằng thỏa thuận mặc định giữa các bên về một khoảng thời gian tương tự, trừ khi một bên chấm dứt thỏa thuận này bằng cách thông báo cho bên kia về quyết định của mình ít nhất 12 tháng trước khi hết thời hạn.

Tại Cameroon, Ủy ban giám sát quốc gia (CNS) đã được thành lập theo Sắc lệnh số 126/CAB/PM ngày 10/09/2012. Bộ Lâm nghiệp và Thiên nhiên hoang dã và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm đảm bảo tuân thủ pháp luật đối với việc xuất khẩu các sản phẩm gỗ.

Theo ông Ngomin Anicet, tại Cameroon có tới 24 loài cấm được xuất khẩu dưới dạng gỗ tròn, trong đó có những loại được ưa chuộng tại Việt Nam như: Gụ, xoan, cẩm lai, óc chó, gõ, sến, dổi, hương…  Loài bị cấm khai thác dưới hình thức gỗ tròn như Hương (Padouk), xoan đào (Sapelli), óc chó (bibolo), dổi (movingui); loài có hạn ngạch xuất khẩu gỗ tròn như: Cẩm quỳ (ayous); loài xuất khẩu phải có giấy phép CITES như tếch (afrormasia)… Tất cả các lâm sản khi xuất khẩu phải có giấy phép xuất khẩu, sản phẩm gỗ phải được đưa vào kiểm tra, kiểm dịch thực vật…

Ngoài Cameroon, theo các đại biểu thông tin, tại Angola, thời gian cho phép khai thác gỗ thường diễn ra từ ngày 1/5-31/10; cấm khai thác trong thời gian từ ngày 1/11 đến 30/4 năm sau.

Cũng tại quốc gia này, giấy phép khai thác có thể được gia hạn nhưng không thể được chuyển nhượng cho bên thứ 3. Ngoài ra, còn hàng loạt quy định về xuất khẩu gỗ như giấy phép khai thác rừng, các quy định về sức khỏe và an toàn lao động…

"Doanh nghiệp nhập khẩu gỗ phải thực hiện bản kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu, nộp bổ sung tài liệu nếu gỗ nhập khẩu từ loài rủi ro hoặc từ vùng địa lý không tích cực. cho Hải quan".

Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Phòng Điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp - Cục Kiểm lâm.

Hàng loạt nước như Congo, Ghana… cũng có những quy định rất nghiêm ngặt về xuất khẩu gỗ tròn, nếu vi phạm các quy định pháp lý thì nguồn gỗ tròn nhập khẩu từ các quốc gia này về Việt Nam là nguồn gỗ rủi ro.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Phòng Điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp - Cục Kiểm lâm chia sẻ, để đảm bảo gỗ nhập khẩu vào Việt Nam là hợp pháp nên Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đã tăng thêm thủ tục hành chính và thời gian thông quan cho các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ.

Để giảm bớt gánh nặng hành chính cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ.

Thông tư nhằm đánh giá mức độ rủi ro của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trong việc tuân thủ các yêu cầu của Hệ thống VNTLAS để thực hiện các biện pháp xác minh phù hợp trước khi cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc phân loại doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác minh kết quả kê khai của doanh nghiệp vì thiếu cơ chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm với các ban/ngành liên quan trong tỉnh, thiếu kết nối thông tin giữa các cơ quan liên quan. 

Trước những khó khăn, vướng mắc trong thực thi Nghị định số 102/2020/NĐ-CP, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung vào năm 2023.

Chu Khôi
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc