Dùng gỗ “Tây” để sản xuất đồ gỗ “Ta”, hướng đi mới cho các làng nghề
Từ giữa năm 2022 đến nay, xuất khẩu đồ gỗ gặp rất nhiều khó khăn do đối tác ở các nước nhập khẩu ngừng ký kết và tạm hoãn thực hiện các đơn hàng mới. Vì vậy, đưa đồ gỗ hướng vào tiêu thụ tại thị trường nội địa, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp gỗ và các làng nghề là vấn đề bức thiết…
Ngày 4/11/2022, tại Đồng Nai, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội gỗ và Thủ công Mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai (DOWA) phối hợp với tổ chức Forest Trends tổ chức hội thảo “Liên kết công ty với các hộ tại làng nghề gỗ: Giảm rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nội địa trong tương lai”.
THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA VÀ LÀNG NGHỀ GỖ CHƯA ĐƯỢC QUAN TÂM
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST, nhận định ngành gỗ Việt Nam đã trở thành một trong những ngành mạnh nhất trong khối nông – lâm nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, trong khi khâu xuất khẩu nhận được nhiều mối quan tâm của Chính phủ, khâu thị trường trong nước chưa được quan tâm đúng mức.
Từ giữa năm 2022 đến nay, xuất khẩu đồ gỗ gặp rất nhiều khó khăn do đối tác ở các nước nhập khẩu ngừng ký kết và tạm hoãn thực hiện các đơn hàng mới. Vì vậy, đưa đồ gỗ hướng vào tiêu thụ tại thị trường nội địa là một giải pháp cho ngành gỗ.
“Thông thường khi nói về ngành gỗ chúng ta thường nghe nhiều về khâu xuất khẩu, về kim ngạch xuất khẩu lớn sự tham gia của hàng nghìn công ty, hàng trăm nghìn người lao động. Với dân số gần 100 triệu dân như hiện nay và tầng lớp trung lưu lớn, thị trường nội địa có quy mô không hề nhỏ. Tuy nhiên thị trường nội địa chưa nhận được mối quan tâm xứng đáng cả về mặt cơ chế chính sách và của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành”, ông Lập nói.
Theo ông Lập, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4-5 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó 30-40% là gỗ rủi ro. Hầu hết lượng gỗ rủi ro nhập khẩu được chế biến thành các sản phẩm đồ gỗ và cung cho thị trường nội địa thông qua hệ thống các làng nghề, gỗ chủ yếu tập trung ở các tỉnh Đồng bằng bắc bộ.
“Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ để loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung, cả trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Vấn đề này đòi hỏi các hộ tại các làng nghề phải chuyển sang sử dụng các loại ít rủi ro, bao gồm gỗ rừng trồng hay các loại ván”. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. |
Ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) cho biết TAVICO chuyên nhập khẩu gỗ nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt các loại gỗ nguyên liệu rừng trồng ở châu Âu. Những loại gỗ sồi, óc chó, tần bì… từ các rừng trồng ở châu Âu nhập khẩu về đã trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
“Nhiều năm qua, gỗ “Tây” được nhập về sản xuất đồ gỗ rồi lại bán đồ gỗ sang “Tây”. Tôi tự hỏi tại sao chúng ta không sử dụng gỗ “Tây” để sản xuất đồ gỗ cho người Việt sử dụng?”, ông Hà trăn trở và cho biết những năm gần đây, TAVICO đã liên kết với một số làng nghề gỗ ở Đồng Nai, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định… để cung cấp gỗ nhập khẩu nguyên liệu cho các làng nghề.
“Sự hình thành mô hình liên kết giữa công ty trong ngành gỗ và hộ gia đình tại một số làng nghề là hướng đi chuyển đổi nguyên liệu đầu vào tại các làng nghề này. Trước đây, người dân ở các làng nghề quan niệm rằng chỉ gỗ rừng nguyên sinh mới có thể sản xuất được đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Nhưng thực tế nhiều loại gỗ rừng trồng nhập về từ châu Âu, và ngay cả một số loại gỗ công nghiệp cũng có thể sử dụng để chế tác được ra các sản phẩm tinh xảo, chạm trổ công phu”, ông Hà khẳng định.
CẦN LIÊN KẾT GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, đại diện làng nghề gỗ Hố Nai ở Đồng Nai, chia sẻ: “Tôi là người đầu tiên của làng nghề Hố Nai sử dụng nguyên liệu gỗ Tây do TAVICO nhập khẩu về. Sản phẩm của chúng tôi theo phong cách làng nghề để chuyên phục vụ thị trường nội địa. Đến nay, chúng tôi đã tạo dựng được một thị trường nội địa bền vững, thương hiệu của công ty chúng tôi đã vững chắc ở thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Văn Trường, đại diện làng nghề mộc mỹ nghệ Thụy Lân ở Hưng Yên, cho hay làng nghề Thụy Lân rất ít được người tiêu dùng và thị trường để ý tới, nên rất thiệt thòi. Trước năm 2018, chúng tôi sản xuất chủ yếu từ nguyên liệu gỗ nghiến, gỗ lim ở trong nước. Nay những loại gỗ đó trong nước không còn, nên chủ yếu sử dụng gỗ nghiến nhập khẩu từ Tây Phi.
"Từ trước tới nay, chúng tôi đều nghĩ cứ gỗ nào chế tác được sản phẩm đẹp, tinh xảo thì mình sử dụng. Mấy năm gần đây, bỗng dưng đồ gỗ của làng nghề khó tiêu thụ, mà chúng tôi không hiểu vì sao. Nay đến đây dự hội thảo, thì tôi mới biết nguyên nhân, giờ người tiêu dùng không sử dụng đồ gỗ làm từ gỗ rừng nguyên sinh nữa, mà cần phải chuyển đổi sang các loại nguyên liệu gỗ rừng trồng”. Ông Nguyễn Văn Trường, đại diện làng nghề mộc mỹ nghệ Thụy Lân. |
Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh), cho biết thực tế làng nghề chủ yếu sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ truyền thống, nên chủ yếu làm từ gỗ lớn.
“Nay tiêu thụ đồ gỗ truyền thống khó khăn, nhưng nếu TAVICO chỉ giới thiệu bán gỗ hợp pháp nhập khẩu cho chúng tôi, thì viêc sản xuất ra sản phẩm mới chúng tôi cũng chưa biết sẽ bán cho ai, ở đâu. Vì chúng tôi chỉ biết làm theo cách thức các cụ xưa truyền lại. Nay TAVICO hay các doanh nghiệp khác có nguồn gỗ, thì làng nghề chúng tôi muốn được hợp tác gia công, chế biến đồ gỗ cho các doanh nghiệp, chứ chưa dám mạo hiểm tự chuyển đổi”, ông Vương băn khoăn.
TS.Tô Xuân Phúc, đại diện Chương trình Thương mại gỗ bền vững, Forest Trends, cho biết tại Việt Nam có trên 300 làng nghề trong cả nước, chủ yếu tập trung ở Đồng bằng bắc bộ và gắn kết văn hóa truyền thống.
Điểm mạnh của làng nghề là truyền thống lâu đời, hệ thống sản xuất sẵn có, lao động có tay nghề, hoạt động lấy công làm lãi, sử dụng cơ sở vậy chất sẵn có của hộ gia đình. Tuy nhiên các làng nghề gỗ đang đối diện với rủi ro do thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, các sản phẩm kiểu dáng cổ điển sử dụng gỗ quý sẽ ít được ưa chuộng. Trong khi, chính sách pháp luật ngày càng siết chặt, các sản phẩm làm từ gỗ quý sẽ khó khăn trong lưu thông.
Với cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ, TS. Phúc khuyến cáo nên coi việc hỗ trợ các hộ làng nghề là thực hiện trách nhiệm cộng đồng. Hợp tác cần dựa trên nguyên tắc công bằng, cùng có lợi, dựa trên các thế mạnh của mỗi bên. Nên coi hợp phần thị trường nội địa là hợp phần không thể tách rời của ngành gỗ, trực tiếp tác động tới hợp phần xuất khẩu.
Đối với cơ quan quản lý, TS. Phúc khuyến nghị cần quan tâm nhiều hơn tới các hộ làng nghề, cần có cơ chế chính sách riêng nhằm hỗ trợ các làng nghề gỗ về vay vốn, đào tạo tập huấn, hỗ trợ hình thành liên kết giữa công ty và các hộ làng nghề.
Với các hộ sản xuất đồ gỗ ở làng nghề, ông Phúc cho rằng nên cập nhật thông tin về thị trường, chính sách thông qua kênh của hiệp hội, hội làng nghề. Các hộ sản xuất đồ gỗ ở làng nghề nên tranh thủ cơ hội hợp tác với các công ty đi tiên phong trong việc dẫn dắt thị trường, hình thành tổ nhóm có nhiều tương đồng, kết nối với công ty nhằm giảm chi phía giao dịch trong liên kết.