Trung Quốc: Thị trường xuất khẩu quan trọng của nông sản Việt
Trong những năm gần đây, nhóm hàng nông lâm thủy sản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, góp phần cải thiện, rút ngắn khoảng cách trong cán cân thương mại giữa hai nước. Dự báo trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng của nông lâm thủy sản Việt Nam.,...
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 44,9 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Trung Quốc đạt 8,3 tỷ USD, chiếm 18,5% thị phần. Với kết quả này, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của nông lâm thủy sản Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất (trên 11,4 tỷ USD).
LỢI THẾ NHỜ "NHẤT CỰ LY, NHÌ THUẾ SUẤT"
Xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc có lợi thế không chỉ nhờ cự ly gần, đỡ tốn chi phí vận chuyển mà còn nhờ thuế suất thấp. Thực hiện cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, đến nay Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có nông sản, trái cây tươi, mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn này.
Rau quả là mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nhiều nhất. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết tại cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc, mỗi ngày đều có hàng trăm xe container, xe đông lạnh vận chuyển trái cây để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Những năm gần đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc thường đạt kim ngạch từ 2 - 3 tỷ USD/năm. Dư địa cho mặt hàng rau quả ở thị trường Trung Quốc còn rất lớn, vì mỗi năm nước này nhập khẩu hơn 15 tỷ USD mặt hàng rau quả.
Năm 2021, trong bối cảnh thương mại toàn cầu chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng tích cực, trong đó xuất khẩu rau quả chiếm tới 56% tổng xuất khẩu rau quả của cả nước.
Tuy nhiên, năm 2022, khi Trung Quốc siết chặt biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu trái cây lập tức sụt giảm mạnh. Cụ thể, trong 7 tháng năm 2022 xuất khẩu trái cây chỉ đạt 878 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2021.
“Dù nỗ lực mở rộng thị trường sang các khu vực khác như Trung Đông, Australia hay châu Âu, nhưng vẫn không thể bù đắp, thay thế nổi thị trường Trung Quốc”, ông Nguyên chia sẻ.
Trước đây, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, nhưng hiện nay Trung Quốc đã cho phép nhiều loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu theo đường chính ngạch.
"Trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 590 triệu USD, tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái". Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam. |
Vào giữa năm 2022, Trung Quốc và Việt Nam đã ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng. Vừa qua, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu chuối Việt Nam sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc phải kể đến là tôm và cá tra.
“Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Trung Quốc và trong tương lai sẽ còn có tiềm năng phát triển mạnh hơn nữa với lợi thế địa lý và các rào cản thuế quan được dỡ bỏ”, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại của VASEP (VASEP.PRO) nhận định.
Bên cạnh đó, mặt hàng gạo cũng đang có sự gia tăng tiêu thụ mạnh mẽ từ Trung Quốc. Nếu trước đây các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo chủ yếu sang Philippines, châu Phi, Malaysia thì gần đây Trung Quốc đã vươn lên chiếm thị phần nhập khẩu lớn thứ hai, đạt kim ngạch gần 500 triệu USD...