Xuất khẩu sụt giảm mạnh nhưng cán cân thương mại vẫn thặng dư 4 tỷ USD
Quý I/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước chỉ đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cán cân thương mại vẫn thặng dư 4,07 tỷ USD.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Chính vì vậy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng Ba ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%.
Quý I năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt tới 177,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 89,9 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu đạt 88 tỷ USD, tăng 15,6%.
So sánh với con số đạt được của năm trước, mới thấy xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 3/2023, mim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước, tức là đã có cải thiện.
Tuy nhiên, tính chung quý I, con số ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10%, chiếm 75,7%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước, cũng đã cải thiện khá mạnh, nhưng vẫn còn giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%.
Trong quý I năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,6%.
Xét về cơ cấu hàng nhập khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 70,22 tỷ USD, chiếm 93,5%. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 4,88 tỷ USD, chiếm 6,5%.
Xét về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.
Trong quý I năm 2023, Việt Nam ước xuất siêu sang Mỹ 17,5 tỷ USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 6,9 tỷ USD, giảm 10,1%; nhập siêu từ Trung Quốc 12,1 tỷ USD, giảm 15,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 6,3 tỷ USD, giảm 40,1%; nhập siêu từ ASEAN 2 tỷ USD, giảm 46,3%; nhập siêu từ Nhật Bản 158,5 triệu USD, giảm 66,4%...
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu nên tháng 3/2023, nền kinh tế ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD.
Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,77 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,84 tỷ USD.
Tuy nhiên, xuất siêu lớn trong bối cảnh hiện nay chưa hẳn là tín hiệu vui. Bởi lẽ, xuất siêu tăng là so nhập khẩu giảm mạnh, và có lẽ, nguyên nhân xuất phát từ sản xuất trong nước gặp khó, nên đơn hàng nhập khẩu tư liệu sản xuất bị ảnh hưởng.