242,7 triệu USD đầu tư Dự án “Phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam”
Sà lan vận chuyển hàng hóa trên một tuyến kênh đào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn số 808/TTg – QHQT gửi các bộ: Kế hoạch và đầu tư, tài chính và GTVT về việc phê duyệt Đề xuất Dự án “Phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam”, sử dụng vốn vay WB và viện trợ của Chính phủ Úc.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý phê duyệt Đề xuất Dự án với các nội dung đề xuất như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo giải trình của Bộ GTVT.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo với WB Đề xuất Dự án được duyệt. Bộ GTVT được yêu cầu chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra về số liệu báo cáo đề xuất của Dự án; tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các cơ quan trong quá trình lập và thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; rà soát các hạng mục đầu tư để tránh trùng lắp với các dự án khác, bảo đảm hiệu quả và chỉ sử dụng vốn vay WB cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên theo đúng quy định.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng sẽ phải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan hoàn thành các thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư Dự án theo đúng quy định hiện hành.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án “Phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam có tổng mức đầu tư 242,7 triệu USD, gồm vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc trị giá 0,582 triệu USD, vốn vay WB là 158,69 triệu USD; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 83,44 triệu USD.

Dự án có có mục tiêu nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đường thủy nội địa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tp.HCM, trong đó có hai hành lang đường thủy gồm Hành lang Đông - Tây kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (trung tâm kinh tế Cần Thơ) - Tp.HCM - cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và Hành lang Bắc - Nam liên kết Bình Dương - Đồng Nai – Tp.HCM - cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Đối với Hành lang Đông - Tây (qua sông Hậu, sông Trà Ôn, kênh Măng Thít, sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, kênh Kỳ Hôn, kênh Rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Rạch Cát, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua/Tắc Bài, sông Gò Gia, sông Thị Vải) sẽ được nâng cấp đạt cấp II đường thủy nội địa với chiều rộng luồng 55 m đối với kênh, 75 m đối với sông, chiều sâu chạy tàu - 3,3 m, bán kính cong tối thiểu là 500 m đối với kênh và 700 m đối với sông. Đội tàu thiết kế đề xuất tàu tự hành trọng tải 1.500 tấn, đội sà lan 2x500 tấn, tàu container 3 lớp.

Hành lang Bắc - Nam (qua sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua/Tắc Bài, sông Gò Gia, sông Thị Vải) sẽ được nâng cấp đạt cấp II đường thủy nội địa với chiều rộng luồng 60 m đối với kênh, 90 m đối với sông, chiều sâu chạy tàu - 7,0 m, bán kính cong tối thiểu là 500 m đối với kênh và 700 m đối với sông. Đội tàu thiết kế đề xuất trọng tải 3.000 - 5.000 tấn, tàu container 4 lớp.

Địa điểm xây dựng triển khai Dự án là Tp. HCM và TP Cần Thơ; các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, Dự án còn tiến hành cải tạo nâng cấp 2 cầu (Trà Ôn và Chợ Lách 2); xây dựng 16 bến khách ngang sông trong đó thay thế 10 bến hiện hữu và 06 bến làm mới tại 3 vị trí cắt cong tại sông/kênh Măng Thít, kênh Rạch Lá (mỗi vị trí xây dựng 2 bến ở hai bên bờ); lắp đặt hệ thống báo hiệu trên tuyến; thiết lập hệ thống Quản lý giao thông tàu thuyền qua lại (VTMS) cho đoạn Kỳ Hôn - Chợ Gạo - Rạch Lá với mục tiêu chính là giảm thiểu rủi ro mắc cạn, giảm thiểu nguy cơ va chạm, ùn tắc, nâng cao năng lực lưu thông qua kênh.

Dự án “Phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam” dự kiến được triển khai từ năm 2021 - 2025.

Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian chạy tàu từ Đồng bằng sông Cửu Long đến Tp.HCM và đến các cảng chính trong khu vực, qua đó giảm giá thành chi phí vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Anh Minh
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc