Doanh nghiệp FDI và những đóng góp to lớn đối với nền kinh tế
Các doanh nghiệp FDI đã và đang có vai trò và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng hoá và giải quyết việc làm cho người lao động.
Đầu tư vào mọi ngành nghề kinh tế
Doanh nghiệp FDI lớn nhất đã đầu tư vào Việt Nam là Samsung của Hàn Quốc . Samsung Việt Nam bắt đầu đầu tư với nhà máy Samsung điện tử Việt Nam (SEV) từ năm 2008. Đến nay, công ty đã giải ngân 100% tổng vốn được phê duyệt là 17,5 tỉ USD với 6 nhà máy trên cả nước, mỗi năm duy trì đầu tư bổ sung thêm hàng trăm triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Samsung Việt Nam đạt khoảng 57 tỉ USD, chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong số 28,79 tỷ USD thu về từ xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc trong năm 2020, thương hiệu Samsung đóng góp trên 25,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Trong những năm qua, các DN FDI của Singapore đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới thị trường Việt Nam khi đầu tư nhiều vào nhiều lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, hiện Việt Nam đang thu hút được số lượng lớn kỷ lục doanh nghiệp Singapore trong bối cảnh các công ty này tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mở rộng hoạt động ra bên ngoài bất chấp đại dịch COVID-19. Trong 4 tháng đầu năm 2021, Singapore đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỷ USD, chiếm gần 39,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Một trong những biểu tượng hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Singapore chính là 10 khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại các địa phương của Việt Nam, trong đó 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 76,5% luôn là các dự án được đánh giá về hiệu quả.
Là một trong những doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tiên đầu tư sớm vào Việt Nam vào năm 1995, trải qua 26 năm, Công ty Toyota Việt Nam (TMV) đã không ngừng cải tiến kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, cung cấp những sản phẩm chất lượng cho thị trường Việt Nam và thế giới, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nghành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng như công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh thành công nhất tại Việt Nam. Không những đảm bảo sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước, công ty còn đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu, đưa Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu của tập đoàn Toyota Nhật Bản. Trong năm 2020, Toyota Việt Nam đã đóng góp khoảng hơn 900 triệu USD vào ngân sách nhà nước và là 1 trong 30 doanh nghiệp được Tổng Cục Thuế vinh danh tại “Lễ tôn vinh Người nộp thuế năm 2020”.
Theo khảo sát của Navigos Search, các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản trong mảng linh kiện điện tử và ôtô đang có kế hoạch mở rộng trong năm 2021 tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, đã có nhiều tập đoàn lớn như Apple, Foxconn, Luxshare triển khai kế hoạch gia tăng đặt hàng nhà cung ứng và gia tăng hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Các DN Trung Quốc , Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản ... cũng đang tìm hiểu thị trường để đầu tư xây nhà máy và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường phía Nam. Đã có nhiều công ty công nghệ cao chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình như: Sanyo, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec, Intel, Microsoft… Các tập đoàn này đã xây dựng nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại và đang tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam...
Đặc biệt, FDI có những đóng góp lớn trong dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm dao động trong khoảng 13-24 tỷ USD, chiếm tỷ lệ phần trăm cao trong tổng số vốn đầu tư đăng ký (40 - 70%).
Trong 6 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 18 ngành lĩnh vực tại Việt Nam. Dẫn đầu vẫn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được tổng vốn đầu tư 6,98 tỉ USD. Thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư 5,34 tỉ USD và thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký đạt 1,15 tỉ USD.
Chiếm tỷ trọng cao trong xuất nhập khẩu và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá, DN FDI vừa chiếm tỷ trọng cao, vừa có tốc độ tăng trưởng cao hơn khối doanh nghiệp Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, kể từ khi VN đổi mới và tăng cường thu hút FDI, bắt đầu từ năm 2001 trở đi, DN FDI vào nhiều và vượt hơn 50% trong tỷ trọng xuất khẩu. Từ đó trở đi, DN FDI liên tục đóng vai trò chi phối trong xuất khẩu hàng hoá và khối DN FDI đạt đỉnh lần đầu tiên năm 2017 khi chiếm tới trên 72% tỷ trọng xuất khẩu. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của DN FDI luôn cao hơn DN nội địa nên khu vực FDI ngày càng chiếm ưu thế áp đảo trong xuất khẩu. Suốt từ năm 2012 đến nay, Việt Nam xuất siêu là nhờ DN FDI xuất siêu.
Đáng chú ý, năm 2020, cho dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch XNK của khối DN FDI đạt 371,9 tỷ USD chiếm 68,38% (trên tổng 543,9 tỷ USD), riêng xuất khẩu đạt 202,89 tỷ USD, chiếm 72,07% (trên tổng 281,5 tỷ USD). 5 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu của DN FDI chiếm gần 75%, cao hơn mức đỉnh đạt được trong năm 2017. Điều này cho thấy sức chống chịu của DN FDI khá tốt.
Các DN FDI đóng góp khoảng 10% GDP trong việc sản xuất hàng hoá tiêu dùng trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng gói, vận chuyển hàng hoá, sử dụng đất đai, tài nguyên, văn phòng, nhà xưởng, điện nước, sinh hoạt ....
Đáng chú ý, qua việc triển khai các dự án FDI, sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn được đẩy mạnh ..
Trong thời kỳ đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Đến nay, tỷ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng, tỷ trọng lao động trong ngành điện tử và sản phẩm điện tử đã tăng liên tục trong những năm gần đây. Năng suất lao động cũng có sự chuyển biến tích cực nhờ nguồn vốn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao gấp 3-5 lần năng suất lao động chung của cả nước, cao hơn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng.
Những đóng góp của các DN FDI thực sự đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cả góc độ đóng góp cho tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, góp phần gia tăng đầu tư xã hội, tăng trưởng GDP, tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất – kinh doanh và quản lý đối với các doanh nghiệp trong nước.