Doanh nghiệp Singapore ưu tiên đầu tư vào Việt Nam
Trong số những đề nghị tham vấn về đầu tư ra nước ngoài mà Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore nhận được, nhiều nhất vẫn là kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam thu hút được 15,27 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gồm vốn của các dự án đăng ký mới, các dự án tăng vốn và vốn góp, mua cổ phần đến từ các nhà đầu tư thuộc 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Singapore dẫn đầu, với 5,65 tỷ USD, chiếm 36,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Trước đó, năm 2020, các nhà đầu tư Singapore đã đầu tư vào Việt Nam gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam và cũng là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 112 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong năm.
Trao đổi với các nhà đầu tư Singapore tại Hội nghị trực tuyến Triển vọng tăng trưởng và cơ hội của Việt Nam năm 2021, diễn ra ngày 2/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, kết quả này cho thấy, Việt Nam trong mắt của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Singapore, còn nhiều tiềm năng, cơ hội và dư địa để phát triển.
Đại diện Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore cũng cho biết, trong số những đề nghị tham vấn về đầu tư ra nước ngoài mà đơn vị này nhận được, nhiều nhất vẫn là kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam được lựa chọn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư với những lợi thế như chính trị ổn định; tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào, dân số vàng; thị trường tiềm năng; hội nhập quốc tế sâu rộng; chính sách mở với nhiều ưu đãi cạnh tranh; vị trí địa lý chiến lược.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của các quốc gia và các hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia cũng có xu hướng tái cơ cấuhoạt động sản xuất của mình. Nhận thức rõ xu hướng này, Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư, Việt Nam đang rà soát quỹ đất khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu; hội nhập quốc tế với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với nhiều chiến lược đầu tư nước ngoài mới; xây dựng khung pháp lý ngày càng thuận lợi hơn với cơ chế thông thoáng, minh bạch…
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam và Singapore có quan hệ Đối tác chiến lược và đang cùng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. “Đây là các khung pháp lý đầy đủ, toàn diện, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước”, Thứ trưởng nhận định.
Theo đại diện Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore, các nhà đầu tư Singapore đang quan tâm đến 5 lĩnh vực lớn tại thị trường Việt Nam, gồm hạ tầng, khu công nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp và năng lượng.
“Việt Nam cũng có các chính sách ưu đãi thuế áp dụng cho nhiều mô hình doanh nghiệp khác nhau. Đây chính là thông điệp của Chính phủ trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài”, vị này nói.
Cho biết Việt Nam mong muốn có sự hiện diện, mở rộng đầu tư của nhà đầu tư Singapore trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực số hóa, công nghệ, đổi mới sáng tạo…, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư Singapore để giới thiệu các cơ hội đầu tư, tháo gỡ những vướng mắc mà các nhà đầu tư gặp phải.
Việc hai nước đang tiếp tục tăng cường hợp tác về đổi mới sáng tạo và Luật Đầu tư năm 2020 đang tạo ra những cơ chế rõ ràng hơn trong quy định đầu tư, ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam thu hút doanh nghiệp Singapore đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo.